Bản Tin Sức Khỏe

Tầm soát khiếm thính trẻ sơ sinh bằng thiết bị kiểm tra thính lực tiên tiến

Tầm soát khiếm thính cho trẻ sơ sinh đã trở thành tiêu chuẩn ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ nhằm giúp phát hiện sớm nguy cơ mất thính lực ở trẻ ngay từ những tháng đầu đời. Các thử nghiệm tầm soát thính lực được thực hiện rất nhanh chóng, đơn giản và an toàn cho trẻ. Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV trang bị máy kiểm tra thính lực thế hệ mới Sentiero nhằm cung cấp dịch vụ khám tầm soát thính lực ở trẻ sơ sinh giúp phát hiện sớm những vấn đề về thính giác ở trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Mẹ bé B.H.M. (5 tuổi rưỡi, Vũng Tàu) kể lại khi chị đưa bé M. đến Bệnh viện FV khám: “Lúc đầu, không thấy M. ê a tập nói như những đứa trẻ cùng lứa khác, tôi nghĩ chắc cháu chậm nói thôi. Tôi và ông xã dành nhiều thời gian dạy nói cho M.nhưng cháu vẫn không tiến bộ. Lo lắng quá nên tôi đưa cháu đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán là cháu bị điếc bẩm sinh. M. sẽ không thể nói được nếu không nghe được âm thanh”. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết, bác sĩ Nguyễn Quảng Đại, Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV, quyết định sử dụng phương pháp trợ thính cho bé M.

Bác sĩ Đại cho biết: “Đối với những em bé bị điếc bẩm sinh như bé M. mà để đến hơn 3 tuổi mới có các biên pháp can thiệp trợ thính là hơi muộn. Nếu các em được phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì thính lực hầu như đều có khả năng hồi phục như những trẻ bình thường cùng trang lứa.”

Sau khi được sử dụng biện pháp trợ thính, bé M. bắt đầu chương trình điều trị nghe nói tích cực. Và sau hơn sáu tháng đầu tiên, bé M. đã có thể nghe nói khá tốt, giao tiếp với người nhà gần như bình thường. Mẹ bé M. cho biết: “Lần đầu tiên khi cháu gọi được bố mẹ, hai vợ chồng tôi mừng quá mà khóc òa cả lên!”. Bé M. còn phải trải qua một quá trình tập luyện tích cực, chuyên sâu và lâu dài hơn để cải thiện thính lực.

Nghiên cứu đã chứng minh, phát hiện sớm điếc bẩm sinh, đặc biệt trong sáu tháng đầu đời, và can thiệp sớm có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và nói chuyện bình thường. Thực tế cho thấy, cứ 1000 trẻ sinh ra thì có từ 4-5 trẻ khiếm thính, trong đó khiếm thính nặng và sâu là từ 1-2 trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân gây khiếm thính ở trẻ như mẹ bệnh trong thời gian mang thai, vợ chồng đồng huyết thống, ngộ độc thuốc…, có khoảng 15 % là do di truyền và 30% không rõ nguyên nhân.

Hiểu rõ tầm quan trọng của cơ quan thính giác khỏe mạnh đối với một đứa trẻ, Bệnh viện FV đã đưa vào hoạt động máy kiểm tra thính lực Sentiero thế hệ mới nhất – do PATH Medical GmbH của Đức sản xuất – để thực hiện tầm soát khiếm thính cho tất cả trẻ sơ sinh được sinh ra tại đây. Thiết bị kiểm tra thính lực cầm tay gọn nhẹ này được kết nối với một màn hình vi tính cho phép tùy chỉnh các số liệu báo cáo. Các thông số đo được sẽ hiển thị trên màn hình máy tính cho phép bác sĩ kiểm tra, so sánh, đánh giá và in kết quả kiểm tra.

Trước đây việc tầm soát khiếm thính chỉ thực hiện trên những trẻ có nguy cơ cao như trẻ sinh thiếu tháng (42 tuần), trẻ yếu sau sinh hoặc nhiễm khuẩn bào thai, và trẻ có dị tật bẩm sinh bên ngoài. Tuy nhiên hiện nay, nhờ có hệ thống máy kiểm tra thính lực này, khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV có thể triển khai chương trình tầm soát khiếm thính thường quy cho các bé vừa chào đời, trước khi xuất viện hoặc hai tuần sau sinh, nhưng không được quá ba tháng tuổi.

Thực hiện khám tầm soát khiếm thính chỉ mất vài phút khi trẻ đang nằm hoặc đang ngủ và sẽ không làm đau hay gây hại gì đến trẻ. Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV có phòng đo thính lực tiêu chuẩn quốc tế (cách âm và tiêu âm) không gây dội âm giúp kết quả đo chính xác và phân biệt âm thanh rõ hơn. Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ áp dụng các nghiệm pháp tầm soát thính lực sau:

  • Nghiệm pháp đo điện âm ốc tai OAE: Bác sĩ đặt một máy nghe nhỏ và mềm có đầu bịt ở phần tai ngoài của bé, tai nghe này sẽ truyền âm thanh có tiếng lách cách vào tai. Khi tai nhận âm thanh, phần tai trong là ốc tai thường tạo ra âm thanh dội lại và âm thanh này được máy tầm soát thính lực ghi lại. Chỉ mất vài phút để làm thử nghiệm này.
  • Nghiệm pháp đo điện thính giác thân não ABR: Bác sĩ sử dụng ba miếng điện cực nhỏ được dán lên trán, bề mặt hai xương chũm và gáy của trẻ, rồi đặt một tai nghe nhỏ lên tai trẻ và truyền âm thanh có tiếng lách cách. Bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng tai trẻ đáp ứng âm thanh như thế nào.
  • Nghiệm pháp đo đáp ứng điện thính giác thân não ASSR: Âm thanh được kích thích thông qua các miếng điện cực được dán ở trán, bề mặt hai xương chũm và gáy của trẻ. Nhờ đó bác sĩ sẽ định dạng được thính lực đồ của trẻ với 7 loại sóng được mô tả với các tần số cụ thể hơn. Ưu điểm của phương pháp này là cung cấp nhiều dữ liệu giá trị giúp bác sĩ đưa ra kết luận xem trẻ nên đeo máy trợ thính hay nên điều trị bằng phương pháp cấy ốc tai
  • Nghiệm pháp kích gợi thính giác vỏ não CAEP: Kết quả đo CAEP dùng để đánh giá khả năng tiếp nhận âm thanh của bệnh nhân. Sau khi đo điện âm ốc tai và đo đáp ứng điện thính giác thân não, nếu được chẩn đoán bị giảm thính lực thì bác sĩ thường cho bé đeo máy trợ thính. Nghiệm pháp đo điện thính giác không thể cho biết bệnh nhân có khả năng nghe được những âm thanh mà máy trợ thính khuếch đại hay không. Tuy nhiên nghiệm pháp đánh giá vỏ não thì hoàn toàn có thể. Đây là một giải pháp phù hợp trong việc xác định sự phản ứng thần kinh của bệnh nhân với các tín hiệu âm thanh được phát ra từ máy trợ thính.
Zalo
Facebook messenger