Bản Tin Sức Khỏe

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Trọng Phát Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình & Phẫu thuật bàn tay Trưởng Trung tâm Phẫu thuật điều trị khớp

Bác sĩ Lê Trọng Phát là một trong những bác sĩ giàu kinh nghiệm hàng đầu tại Bệnh viện FV trong điều trị các ca chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc thể thao. Ông cũng nổi tiếng trong phẫu thuật điều trị các bệnh lý, chấn thương thuộc hệ cơ và xương khớp như nội soi khớp, thay khớp, ghép sụn, ghép xương, tái tạo dây chằng và vi phẫu nối các bộ phận của chân hoặc tay bị đứt lìa…

Bác sĩ Lê Trọng Phát tốt nghiệp Đại học Y Rheinische Friedrichs-Wilhelms, Bonn, Đức năm 1988. Sau đó, ông nhận bằng Tiến sĩ Y khoa về Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình cũng tại trường đại học này vào năm 1993.

Năm 1995, bác sĩ hoàn thành khóa đào tạo nâng cao về Châm cứu tại Đại học Witten-Herdecke, Witten, Đức. 8 năm sau đó, ông nhận bằng chuyên khoa sâu về Y học Thể thao tại Bệnh viện Franziskus, Linz, Đức.

Sự nghiệp của bác sĩ Phát được tóm tắt bằng gần 30 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cùng nhiều chức vụ quan trọng tại các bệnh viện uy tín của Đức, đáng chú ý là thời gian 10 năm làm Phó khoa Ngoại và Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Franziskus, Linz.

Với trình độ chuyên môn cao và kiến thức y khoa sâu rộng, bác sĩ Lê Trọng Phát được mời làm Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện FV từ năm 2010. Trên cương vị này, bác sĩ Phát đã cùng các đồng nghiệp mở ra những hướng phát triển lâu dài cho khoa bằng việc áp dụng các phương pháp tiên tiến vào điều trị:

  • Chấn thương xương khớp (gãy xương, trật khớp)
  • Chỉnh trục bàn chân
  • Nội soi khớp vai, khớp gối, khớp cổ chân và khớp khuỷu tay
  • Tái tạo dây chằng chéo khớp gối
  • Thay khớp gối, khớp háng, khớp vai

Sau phẫu thuật, những quy trình vật lý trị liệu hiện đại và trang thiết bị tối tân sẽ giúp bệnh nhân mau chóng phục hồi chức năng, đảm bảo cho bệnh nhân di chuyển độc lập khi xuất viện.

Một số ca hiếm gặp được bác sĩ Lê Trọng Phát phẫu thuật thành công

Dị dạng khớp gối bẩm sinh

Năm 2014, em Đỗ Trọng Hiếu, 14 tuổi, bị bệnh tim và dị dạng khớp gối bẩm sinh, không duỗi chân được nên không có khả năng đi lại.

Kết quả chẩn đoán cho thấy xương bánh chè của em bị trật hoàn toàn ra ngoài, khớp gối chày bị bán trật. Gân bánh chè và một số dây chằng dính vào nhau, chéo trước, chéo sau, giãn dây chằng chéo trước, thiếu sàn sụn chêm ngoài khớp gối,… Nhiều bệnh viện đã từ chối điều trị vì đây là một ca dị dạng hiếm gặp, tỉ lệ thành công rất thấp. Qua hội chẩn một vài BS bên Úc, có đề nghị phải đoạn chi cẳng chân và ghép chân giả để Hiếu có thể đi lại được.

Nhận định đây là ca khó, bác sĩ Phát đã gửi hồ sơ của Hiếu sang Đức để hội chẩn cùng các giáo sư bác sĩ hàng đầu ở nước ngoài. Tất cả đều xác nhận đây là trường hợp đầu tiên họ gặp và việc phẫu thuật đòi hỏi sự khéo léo, dày dạn kinh nghiệm.

Bác sĩ Phát quyết định mổ chân trái cho em Hiếu trước. Bác sĩ đã bóc tách phần gân, cơ dính vào nhau, chuyển và định vị lại xương bánh chè. Sau đó, ông tái tạo phần sụn, nới cơ, gân , chuyển trục xương chày. Vừa phẫu thuật, ông vừa phải canh chỉnh từng chút một. Bốn tháng sau, khi chân trái đã ổn định, ca mổ chân phải được tiến hành. Hiếu được tiếp tục tập vật lý trị liệu và 3 tháng sau đã có thể đi lại trên 2 chân mình mà không cần chống nạng nữa. Hiện nay Hiếu đi học và chạy nhảy được  bình thường như những bạn đồng lứa tuổi.

Thay hai khớp gối cùng lúc

Bà N.T.P.V., 67 tuổi, ngụ tại Hà Nội, bị thoái hóa cả hai khớp gối trong suốt 25 năm, không chỉ chịu đựng những cơn đau nhức thường xuyên, bà còn hay bị hẫng chân rồi tự ngã với tần suất ngày càng nhiều.

Sau khi đánh giá tình hình, bác sĩ Phát đã chỉ định phẫu thuật cả hai khớp gối cho bà V.. Thông thường chỉ có bệnh viện ở các nước tiên tiến mới có thể thay hai khớp gối cùng lúc nhờ đủ điều kiện chăm sóc hậu phẫu.

Do khớp gối của bà V. đã bị thoái hóa lâu năm nên sụn chêm đã tiêu mủn, các tổ chức nằm bên dưới sụn chêm cũng bị tiêu hủy. Ca mổ dài ba tiếng đồng hồ đã thành công. Chỉ một ngày sau, bà V. đã bắt đầu tập vật lý trị liệu và sau đó là tập đi bằng nạng. Bốn tháng sau bà N.T.P.V hoàn toàn hồi phuc chức năng, đi lại vững chãi và sinh hoạt hàng ngày không còn đau nữa.

Thay khớp vai cho một bệnh nhân diễn biến phức tạp

Bà Y.M.A.A., 65 tuổi, quốc tịch Pháp, đang trên đường đi du lịch xuyên Việt cùng chồng thì bị ngã trật khớp vai phải và gãy xương cánh tay phải. Được công ty bảo hiểm giới thiệu đến Bệnh viện FV nên dù đang ở miền Bắc, bà Y. cũng gắng chịu đau để bay một quãng đường dài vào TP.HCM.

Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ Lê Trọng Phát quyết định thực hiện phẫu thuật thay khớp vai cho bà Y. gấp vì nếu không, bà Y. có nguy cơ bị cứng khớp vai do có 4 chỗ bị gãy và khả năng phục hồi cho cánh tay phải chỉ là 20%.

Bác sĩ Phát nhận định, đây là ca phẫu thuật khá phức tạp do bệnh nhân mất thời gian di chuyển và đoạn xương bị gãy nhiều chỗ, bệnh nhân lại lớn tuổi… Vì vậy, cách điều trị tốt nhất đối với các trường hợp gãy xương cánh tay gần khớp vai như của bà Y. là phẫu thuật thay khớp vai càng sớm càng tốt.

Ca mổ thành công, bộ phận thay khớp vai được cấy ghép tốt. Bà Y. ở lại Việt Nam 6 tuần, tiếp tục tập vật lý trị liệu. Hiện nay, bà Y. đang trong thời gian hồi phục tại Pháp. Bà Y. có thể tự xúc thức ăn, vẽ, thực hiện các động tác đơn giản bằng cánh tay phải của mình mà không cảm thấy đau đớn.

Bằng tài năng và kinh nghiệm bác sĩ Lê Trọng Phát đã giúp nhiều bệnh nhân phục hồi chức năng các bộ phận cơ thể, trả lại cho họ cuộc sống bình thường. Ông vẫn đang ngày ngày cần mẫn làm việc, nghiên cứu phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến khác để giúp thêm nhiều bệnh nhân mới.
Zalo
Facebook messenger