Tin tức

Bác sĩ Bùi Nhuận Quý: Theo nghề y như một lẽ tự nhiên

Việc đi theo ngành y đối với bác sĩ CKII. Bùi Nhuận Quý (Trưởng khoa Tiêu hóa và Gan, Mật – Bệnh viện FV) giống như một hành trình tự nhiên, với những điều buộc phải trải qua và nhiều thú vị cần phải đi thật xa để khám phá. Anh luôn nghĩ nhiều may mắn đã đến với mình trên hành trình đó, nhưng may mắn thường không mấy khi đến với người thiếu kiên trì. 

Điềm tĩnh trên con đường hành nghề

Nguyên cớ đưa bác sĩ Bùi Nhuận Quý đến với ngành y như một lẽ tự nhiên. “Đến năm thi đại học, tôi cũng chưa từng có ý nghĩ mình sẽ học y” – anh cười nói. Trong một dịp ghé thăm cô giáo dạy văn ngày xưa, cô bảo trông anh giống như một bác sĩ vậy. Chỉ một câu nói đơn giản đã làm chàng trai 18 tuổi suy nghĩ mấy ngày liền. Mặc dù trong nhiều năm anh chỉ chuẩn bị và thích các ngành học liên quan đến toán, lý, nhưng sau cùng lại quyết tâm trở thành bác sĩ. Khi ra trường, anh được nhận về một bệnh viện công lập lớn và dành hơn 15 năm phát triển cho một chuyên khoa duy nhất để nghiên cứu, làm việc và theo đuổi như một sự nghiệp.

Bác sĩ CKII. Bùi Nhuận Quý – Trưởng khoa Tiêu hóa và Gan, Mật – Bệnh viện FV, thường sẽ mang lại cho người đối diện cảm giác từ tốn, hiền lành và có phần trầm tính.

Tuy gia đình không có ai theo ngành y, anh cũng tự nhận mình không phải một bác sĩ nổi bật như nhiều đồng nghiệp, nhưng từ khi ra trường anh vẫn không ngừng tìm kiếm hoài bão của bản thân. Anh học từ công việc, học từ người khác và học từ chính những nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian hơn 10 năm trực không có ngày nghỉ. “Khi bản thân làm tốt công việc, thì sẽ được nhiều người tin tưởng và đảm nhận những trách nhiệm xứng tầm” – bác sĩ Quý nêu quan điểm làm việc của mình.

Vẻ điềm đạm đôi lúc mang tới một hình ảnh có phần trầm lặng của anh trong công việc hằng ngày. Tuy nhiên chính sự điềm tĩnh đã giúp anh trở thành một chuyên gia nội soi tiêu hóa giỏi và cẩn trọng đặc biệt trong lĩnh vực nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP). Điều đó cũng khiến những người bệnh mỗi khi nhắc đến anh đều nhớ đến sự nhẹ nhàng, ân cần của bác sĩ Quý, không chỉ trong lúc làm việc, mà cả trong giao tiếp.

Thay đổi bản thân để giúp được nhiều người

Tuy mang lại cho người đối diện cảm giác từ tốn, hiền lành và có phần trầm tính nhưng bác sĩ Nhuận Quý lại có nhiều năm hoạt động đoàn, hội từ trường y, đến Bệnh viện Gia Định và ở Sở Y tế Tp.HCM.  “Ngoài chuyên môn, các kỹ năng xã hội phần nào đã giúp tôi hiểu được những khó khăn của bệnh nhân, đồng nghiệp. Tôi cũng biết nên gặp ai và làm gì để giải quyết các trở ngại trong công việc của mình và xung quanh”, bác sĩ Quý chia sẻ.

Các hoạt động xã hội ban đầu chỉ nhằm mục tiêu giúp anh bớt đi tính rụt rè của mình. Nhưng dần dần, sự tự tin, hài hước, cơ hội gặp gỡ nhiều người trong cùng lĩnh vực đã đến với anh và mang theo nhiều thay đổi. Đi nhiều, gặp gỡ nhiều giúp một bác sĩ trẻ không ngại bày tỏ những mong muốn, quan điểm của mình trước các tiền bối, tự tin lên tiếng khi có những vấn đề ảnh hưởng đến bệnh nhân, cũng như tự mở ra cho mình nhiều lựa chọn hơn cho sự nghiệp về sau. Thời gian tham gia các hoạt động xã hội, cũng giúp anh biết cách tiếp cận và giúp người bệnh đỡ căng thẳng khi thực hiện các thủ thuật.

Quyết định gia nhập Bệnh viện FV có lẽ lần khó khăn nhất trong sự nghiệp của bác sĩ Quý. “Ngày trước tôi chỉ mất 1 tuần để quyết định trở thành bác sĩ, bây giờ phải mất nhiều tháng để lựa chọn đến FV làm việc. Tôi hy vọng ở FV, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung đào sâu vào chuyên môn của mình” – bác sĩ Quý chia sẻ về một bước ngoặt trong sự nghiệp. Đối với anh quyết định này mang lại cho anh sự tự do cho bản thân. Không còn phải ngược xuôi cho những công việc ngoài chuyên môn y tế, không còn rối ren chuyện con người, tài chính, thiệt hơn ở chốn đông người. Bây giờ anh có thêm thời gian cho gia đình, nghiên cứu sâu hơn về chuyên môn và các bệnh án, hay dành nhiều tâm huyết hơn để hướng dẫn các bác sĩ trẻ yêu thích chuyên khoa tiêu hóa – gan mật, nhất là kỹ thuật ERCP.

Sự trầm lặng và điềm tĩnh cũng rất phù hợp với công việc mà anh nghiên cứu và đang là một chuyên gia nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).

Tiến sĩ, Bác sĩ Đỗ Trọng Khanh (Giám đốc Y khoa – Bệnh viện FV) chia sẻ: “Tôi nghĩ bác sĩ Quý đã từng đảm nhận các vị trí cao tại bệnh viện lớn, nên tôi tin anh có đủ kinh nghiệm, chín chắn, đồng thời anh có rất nhiều nhiệt huyết để cống hiến và triển khai những kế hoạch lớn hơn tại FV”. Bên cạnh đó, bác sĩ Trọng Khanh cho biết hiện tại FV đã xây dựng được một nền tảng quản trị và đầu tư trang thiết bị rất tốt để bác sĩ Quý có thể yên tâm triển khai các kỹ thuật mới và khó tại chuyên khoa Tiêu Hóa & Gan Mật, đặc biệt là các kỹ thuật nội soi.

Bác sĩ Quý cho biết những phương pháp điều trị bệnh lý tiêu hóa hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều tiến bộ, nhưng để bắt kịp thế giới thì vẫn còn xa. Anh mong muốn mình được góp phần kéo gần khoảng cách đó. Trùng hợp với mong muốn của anh, khi Bệnh viện FV luôn tận dụng các mối quan hệ trong nước và quốc tế của mình như Bệnh viện Chợ Rẫy, AIG (Trung tâm nội soi nổi tiếng tại Ấn Độ),… để giúp các bác sĩ khoa tiêu hóa được đào tạo liên tục và nâng cao tay nghề. Có lẽ bây giờ là một thời điểm thích hợp để anh đạt được hoài bão của mình.

Bác sĩ Bùi Nhuận Quý cho rằng câu chuyện dấn thân vào nghề y của mình mang màu sắc của sự may mắn nhiều hơn là cái duyên, hay nỗ lực. Nhưng may mắn bao giờ cũng là một cuộc hội ngộ giữa cơ hội và sự chuẩn bị. Phong cách hòa đồng và suy nghĩ “dĩ hòa vi quý” đã luôn mở ra cho anh nhiều cơ hội trong suốt sự nghiệp. Bản thân anh cũng là người luôn suy nghĩ rất kỹ rồi quyết định, nhận thấy những cái yếu của mình rồi khắc phục. Hoàn toàn đó là sự chuẩn bị tốt nhất của một người đáng nhận được những may mắn trong công việc và cuộc sống.

Zalo
Facebook messenger