Tin tức

Bác Sĩ Việt Nam Và Campuchia Cùng Chia Sẻ Các Kỹ Thuật Mới Trong Điều Trị Tim Mạch

Ngày 18/5/2024, Bệnh viện FV tổ chức Hội thảo y tế với chủ đề “Các Kỹ thuật tiên tiến trong can thiệp tim mạch” tại Khách sạn Phnom Penh ở Thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia y tế của hai nước Việt Nam và Campuchia tham dự, cùng chia sẻ những tiến bộ mới trong lĩnh vực điều trị tim mạch.

Hội thảo đón hơn 150 khách mời tham dự, trong đó có các bác sĩ tim mạch từ các bệnh viện lớn ở Campuchia. Các bệnh viện công có mặt bao gồm: Bệnh viện Calmette, Bệnh viện Hữu nghị Khmer-Soviet, và Bệnh viện Hữu nghị Campuchia-Trung Quốc Preah Kossamak. Các bệnh viện tư nhân có mặt bao gồm: Bệnh viện Trung ương, Bệnh viện Sunrise, Bệnh viện Quốc tế Orienda, Trung tâm Y tế SingMed, và Phòng khám Quốc tế Khema.

Vào buổi chiều cùng ngày, Bệnh viện FV cũng tổ chức một phiên chia sẻ kiến thức về chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch thường gặp với đối tượng là cộng đồng.

Hội thảo đón hơn 150 khách mời tham dự, trong đó có các bác sĩ tim mạch từ các bệnh viện lớn ở Campuchia

Là thành viên của Thomson Medical Group, FV tăng cường kết nối cộng đồng y khoa các nước trong khu vực

Hội thảo mở đầu bằng bài phát biểu khai mạc của GS.BS Sok Chour – Chủ tịch hiệp hội Tim mạch Campuchia. Theo GS.BS Sok Chour, tim mạch là một bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chính vì tính chất phức tạp của mảng điều trị này mà hằng năm trên thế giới thường xuyên cập nhật các kỹ thuật điều trị mới hiệu quả hơn, tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân. Tại Hội nghị Tim mạch lần này, các bác sĩ Campuchia và Việt Nam sẽ tập trung thảo luận những tiến bộ mới trong điều trị tim mạch đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. GS.BS Sok Chour đánh giá cao sự hợp tác của Bệnh viện FV trong nỗ lực kết nối và chia sẻ kiến thức y khoa tới các đồng nghiệp Campuchia. Đây là cơ hội cho cộng đồng tim mạch cập nhật những kiến thức y khoa mang tính thực tiễn.

GS.BS Sok Chour – Chủ tịch hiệp hội Tim mạch Campuchia

Trong hội thảo, đại diện từ FV cũng nhấn mạnh lại một sự kiện quan trọng vào đầu năm 2024, khi Bệnh viện FV chính thức là thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson – một trong những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hàng đầu Đông Nam Á.

Bệnh viện FV chính thức là thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson

Tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim cấp

Hội thảo tim mạch lần này đã mang đến cho cộng đồng y khoa nhiều kỹ thuật điều trị tim mạch tiên tiến của thế giới đã được triển khai tại Việt Nam và Campuchia. TS.BS Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim bệnh viện FV đã trình bày đề tài được nhiều bác sĩ tim mạch quan tâm, đó là “Những tiến bộ trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp tại Bệnh viện FV”. Đây là căn bệnh gây nên bởi mảng xơ vữa trong lòng mạch vành, tạo thành cục huyết khối bít tắc lòng mạch, dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi cơ tim. Nhồi máu cơ tim cấp khi không được điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử cơ tim, suy tim hoặc thậm chí đột tử.

TS.BS Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện FV

Nhiều năm qua, Bệnh viện FV đã áp dụng phương pháp đặt stent tiên tiến để điều trị kịp thời cơn nhồi máu cơ tim cấp. Stent sẽ được luồn từ mạch máu tay lên phía tim, nong qua chỗ hẹp. Thủ thuật kéo dài 15-20 phút, nhờ vậy cứu sống kịp thời các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Theo quy định quốc tế trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, thời gian từ khi bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu đến khi kết thúc phẫu thuật phải dưới 90 phút. FV đã đặt tiêu chí cao hơn, rút ngắn thời gian vàng xuống dưới 70 phút,nhiều ca cấp cứu được rút ngắn thời gian xuống dưới 60 phút. Để đạt được thời gian cấp cứu ngắn nhất cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn của các chuyên khoa, mỗi ekip như tham gia “cuộc đua Công thức 1”, đảm đảm người bệnh được cấp cứu kịp thời, liên tục 24/24. Theo ghi nhận của khoa Tim mạch, 99% ca bệnh nhồi máu cơ tim cấp khi điều trị can thiệp tại FV trong thời gian quy định, tỷ lệ sống trên 95%.

Đạt được kết quả điều trị cao như trên còn nhờ FV đầu tư phòng Cathlab đầy đủ các thiết bị hiện đại hỗ trợ thực hiện thủ thuật, đặc biệt là các công nghệ chẩn đoán chính xác hình ảnh trong lòng mạch như máy chụp cắt lớp quang học (OCT), máy siêu âm lòng mạch (IVUS), máy phá mảng xơ vữa (Rotablator)….

BS Nhem Sophearath – Bác sĩ Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Calmette

Liên quan tới việc chẩn đoán các bệnh trong lòng mạch, bác sĩ Nhem Sophearath – Bác sĩ Can thiệp Tim mạch, bệnh viện Calmette có bài báo cáo về “Vai trò của siêu âm lòng mạch (IVUS) trong can thiệp mạch vành qua da”.

Siêu âm trong lòng mạch (IVUS) là kỹ thuật sử dụng một đầu dò siêu âm rất nhỏ khoảng 60MHz cho ra chất lượng hình ảnh HD để luồn vào trong lòng động mạch vành, qua vị trí bị tổn thương để đánh giá tình trạng của mạch. IVUS giúp xác định đặc điểm thành phần cấu tạo của mảng xơ vữa, kích thước động mạch và cách thức tiến hành can thiệp để có thể lựa chọn các dụng cụ phù hợp nhất trong can thiệp động mạch vành. Đây là phương pháp có độ an toàn và chính xác cao, có thể tiến hành nhiều lần trong đánh giá cấu trúc thành động mạch vành và các bệnh lý liên quan, cũng như sự thay đổi của lòng mạch trước và sau can thiệp. Đối với mạch tắc mạn tính, IVUS sẽ giúp hỗ trợ tìm đúng lòng mạch chính và tăng tỉ lệ điều trị thành công.

Theo BS Nhem Sophearath, ứng dụng kĩ thuật IVUS mang lại nhiều lợi ích trong điều trị bệnh lý mạch vành như: tối ưu hóa kết quả nong mạch vành, đánh giá tổn thương và chẩn đoán bệnh chính xác hơn; chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh; giảm biến chứng huyết khối trong stent; giảm tỉ lệ tái hẹp sau can thiệp và giảm tỉ lệ tử vong do bệnh động mạch vành…

Máy tạo nhịp tim không dây: tiến bộ mới trong điều trị rối loạn nhịp tim

BS Hoàng Quang Minh – Khoa Tim, Bệnh viện FV đem đến hội nghị đề tài thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, đó là “Tình trạng bất thường sau STEMI – Cấy máy tạo nhịp tim không dây”.

BS Hoàng Quang Minh – Khoa Tim mạch , Bệnh viện FV

Lâu nay, bệnh nhân rối loạn nhịp tim được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim có dây qua đường tĩnh mạch. Loại máy này giúp bệnh nhân ổn định nhịp tim, tuy vậy nó tồn tại một số nhược điểm như có nguy cơ nhiễm trùng, ngứa vết sẹo sau phẫu thuật. Máy tạo nhịp tim có dây không thực hiện được ở người bị tắc mạch máu dưới xương đòn, hoặc cần dùng mạch máu này để chạy thận ở các bệnh nhân suy thận giai đoạn nặng.

Từ 2016, thiết bị tạo nhịp tim không dây ra đời, được xem là một tiến bộ giải quyết được các vấn đề của máy tạo nhịp tim có dây: Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng tại vị trí đặt máy, tránh được tình trạng gãi không kiểm soát do bị ngứa sau phẫu thuật (thường xuất hiện ở bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân không được minh mẫn) gây trầy xước da và làm thiết bị lộ ra ngoài. Loại máy này chỉ nhỏ như một viên thuốc con nhộng (bằng 1/10 máy tạo nhịp có dây), được đưa trực tiếp vào buồng tim của bệnh nhân mà không cần tới dây dẫn. Máy được đưa vào buồng tim bằng một ống thông từ tĩnh mạch đùi. Thủ thuật kéo dài 30 phút, chỉ cần gây tê. Thủ thuật này chính thức được triển khai tại Bệnh viện FV gần đây, được xem là một giải pháp nhiều ưu việt trong điều trị rối loạn nhịp tim cho bệnh nhân.

Điều trị hẹp van động mạch chủ bằng kỹ thuật TAVI, không cần mổ hở

Hẹp van động mạch chủ là một bệnh lý tim mạch phổ biến, chiếm khoảng 2-5% ở người từ 65 tuổi trở lên và 30% người trên 75 tuổi. Đây là căn bệnh gây ra nhiều thách thức trong điều trị, đặc biệt là ở người cao tuổi có bệnh nền. Chính vì vậy, tại hội thảo lần này, BS. Hồ Minh Tuấn trình bày báo cáo với chủ đề “Toàn cảnh về sự thay đổi trong điều trị hẹp van động mạch chủ bằng TAVI”.

Hẹp van động mạch chủ là tình trạng van tim không thể mở ra hoàn toàn, gây cản trở lưu lượng máu từ tim đi nuôi cơ thể. Bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ có nguy cơ tử vong sau 1 năm lên tới 40% nếu như không được can thiệp thay van nhân tạo. Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh hẹp van động mạch chủ là phẫu thuật tim hở: bệnh nhân được mở ngực, dừng tim, sau đó các bác sĩ sẽ thay thế van động mạch chủ tự nhiên bằng van nhân tạo. Phương pháp này có nhiều hạn chế: thời gian phẫu thuật dài, nguy cơ biến chứng cao, thời gian hồi phục lâu, và không thể áp dụng cho bệnh nhân tuổi cao, sức khỏe yếu hoặc có các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy thận, bệnh phổi….

Gần đây, kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) không cần mổ hở, đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và tại một số trung tâm tim mạch lớn tại Việt Nam, trong đó có FV. Bác sĩ dùng ống thông nhỏ để đưa một van nhân tạo tới tim thông qua một động mạch ở chân, thay thế van động mạch chủ tự nhiên của bệnh nhân.

Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) không cần mổ hở, đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và tại một số trung tâm tim mạch lớn tại Việt Nam, trong đó có FV

TAVI được xem là một tiến bộ y khoa mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhân hẹp van động mạch chủ, với nhiều ưu điểm: thực hiện được trên bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền, thời gian hồi phục nhanh hơn, tránh nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng, xuất huyết, hoặc suy tim… Bác sĩ Hồ Minh Tuấn nhận định, trong thời gian tới TAVI sẽ tiếp tục là trợ thủ đắc lực cho các chuyên gia trong lĩnh vực can thiệp tim mạch.

Hội thảo “Các Kỹ thuật tiên tiến trong can thiệp tim mạch” được các bác sĩ tham gia đánh giá cao bởi có tính ứng dụng, thiết thực. Đây là cơ hội để nhiều trung tâm tim mạch có thể xem xét triển khai các kỹ thuật mới này, giúp điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân.

Các bác sĩ cũng đánh giá cao nỗ lực của FV khi thường xuyên tổ chức giao lưu với các bác sĩ tại Campuchia để chia sẻ những thành tựu mới trong điều trị các loại bệnh phức tạp. Những kiến thức này rất quý đối với các bác sĩ đang trực tiếp điều trị tại các bệnh viện Campuchia.

Sự kiện FV trở thành thành viên của Tập đoàn y tế Thomson đã được báo chí Việt Nam và quốc tế coi là Thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam với trị giá 381,4 triệu USD, đồng thời cũng là thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á kể từ năm 2020.

Liên hệ Văn phòng đại diện FV tại Campuchia: (+855) 23 211 777

Hotline FV tại TP.HCM: (028) 54 11 33 33

Website: https://www.fvhospital.com

Zalo
Facebook messenger