Đục thủy tinh thể ở trẻ là căn bệnh suy giảm thị lực rất dễ bị bỏ qua vì đa số cho rằng bệnh này chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, thị lực của trẻ sẽ suy giảm nghiêm trọng, có thể dẫn tới mù lòa.
Bác sĩ khám tiền phẫu cho một bệnh nhân nhỏ tuổi bị đục thủy tinh thể
Bé trai 5 tuổi bị cận 7 độ và nhược thị do bệnh đục thủy tinh thể
Ở tuổi lên 5, bé Tek (người Campuchia) thường xuyên bị té ngã mỗi khi chạy nhảy cùng bạn bè. Nghi ngờ con bị di truyền chứng đục thủy tinh thể từ cha, gia đình quyết định đưa em sang Việt Nam khám tại Bệnh viện FV.
Các xét nghiệm cho thấy bé Tek bị cận nặng lên tới 7 độ kèm chứng nhược thị, thị lực ở cả hai mắt là 1/10. Bác sĩ Hoàng Chí Tâm – Khoa Mắt và Phẫu thuật Khúc xạ – Bệnh viện FV cho biết, nguyên nhân khiến Tek suy giảm thị lực nặng như vậy là do chứng đục thủy tinh thể bẩm sinh không được điều trị kịp thời.
Mô phỏng mắt bình thường và mắt bị đục thủy tinh thể
Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi, nằm sau mống mắt (hay còn gọi là lòng đen, có chức năng điều tiết ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp ta có thể nhìn thấy mọi vật. Khi thủy tinh thể bị mờ đục khiến ánh sáng khó đi qua và hội tụ được tại võng mạc thì đó là tình trạng đục thủy tinh thể.
“Nhiều người vẫn lầm tưởng đục thủy tinh thể – hay còn gọi là bệnh cườm khô – chỉ gặp ở người lớn do quá trình lão hóa, tuy nhiên không hiếm trường hợp trẻ em mắc bệnh này bẩm sinh. “Đục thủy tinh thể ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây suy giảm thị lực, dẫn tới nhược thị. Ngoài ra, bị đục thủy tinh thể thì cơ thể trẻ sẽ kém linh hoạt, dẫn đến trí não phát triển chậm”, bác sĩ Hoàng Chí Tâm cho biết.
Phẫu thuật phaco điều trị đục thủy tinh thể: an toàn và không đau
Đối với bệnh đục thủy tinh thể gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, cách duy nhất là phẫu thuật thay thế thủy tinh thể bị đục bằng thủy tinh thể nhân tạo phù hợp. Thông thường, việc khám và chỉ định phẫu thuật cườm khô cho trẻ em là một thách thức khi trẻ nhỏ không hợp tác với bác sĩ đồng thời gây mê cho trẻ nhỏ cần được tiến hành một cách an toàn.
Đội ngũ y bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm của FV hỗ trợ tích cực cho phẫu thuật đục thủy tinh thể trẻ em
Để đưa ra chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân cần trải qua quy trình khám tiền phẫu. Tại bệnh viện FV, bệnh nhi được khám tiền phẫu bởi đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp, có kinh nghiệm khiến trẻ hợp tác suốt quá trình khám. Hệ thống máy móc hiện đại tại FV hỗ trợ đo thị lực cho trẻ chính xác, có thể kể đến máy đo công suất thủy tinh thể để đưa ra lựa chọn loại thủy tinh thể nhân tạo phù hợp nhất, máy đếm tế bào nội mô để đo lường và đánh giá số lượng tế bào nội mô trong giác mạc, chụp OCT đáy mắt giúp phát hiện các bệnh lý võng mạc và thần kinh thị giác khác.
Từ kết quả khám tiền phẫu, trẻ sẽ được chỉ định dùng thủy tinh thể phù hợp cho ca phẫu thuật. FV hiện sử dụng hai loại thủy tinh thể nhân tạo là đơn tiêu và đa tiêu (hoặc kéo dài tiêu cự).
Như trường hợp của bệnh nhi Tek kể trên, bác sĩ Hoàng Chí Tâm quyết định chọn đặt thủy tinh thể nhân tạo loại kéo dài tiêu cự ở khoảng trung gian, để em có tầm nhìn ở nhiều khoảng cách xa gần khác nhau.
Theo bác sĩ Tâm, Bệnh viện FV cũng là đơn vị tiên phong sử dụng hệ thống tia laser năng lượng thấp femtosecond để điều trị cho người lớn và có thể áp dụng ở trẻ em. Ưu điểm của tia laser năng lượng thấp femtosecond là thực hiện các thao tác phẫu thuật như như tạo đường mổ, xé bao trước thủy tinh thể và chẻ nhỏ thủy tinh thể, với kết quả chính xác, an toàn và tốc độ phục hồi sau mổ nhanh hơn.
“Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng femtosecond laser không đơn thuần là mổ cườm mà còn là phẫu thuật khúc xạ nữa. Bằng cách sử dụng laser để điều chỉnh, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân gần như hết hoặc giảm độ loạn thị và các tật khúc xạ như lão thị, cận thị nhờ tính toán chính xác độ thể thủy tinh nhân tạo đặt vào mắt”, bác sĩ Tâm thông tin thêm.
Bệnh nhân tại FV được phẫu thuật đục thủy tinh thể trong môi trường phòng mổ đạt tiêu chuẩn y tế quốc tế JCI
Làm gì để phát hiện sớm chứng đục thủy tinh thể ở trẻ?
Có thống kê cho thấy khoảng 0,4% trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc xuất hiện sớm, phụ huynh cần đưa con đi khám nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh này. “Ngoài ra, những trường hợp trẻ bị sinh non, người mẹ khi mang thai có những rối loạn tiền sản liên quan đến nhiễm trùng, vỡ ối,… cũng nên đi khám cho bé sau khi sinh để loại trừ trường hợp bé bị đục thủy tinh thể”, bác sĩ Tâm khuyến cáo.
Để nhận biết chứng cườm khô ở trẻ em, bác sĩ Hoàng Chí Tâm khuyên phụ huynh nên quan sát mắt của bé.
Theo bác sĩ Tâm, để nhận biết bệnh cườm khô ở trẻ, phụ huynh hãy quan sát con ngươi của trẻ, nếu nó trong suốt thì bình thường, nếu có chấm màu trắng đục thì khả năng cao trẻ đang gặp vấn đề về mắt. Ngoài ra, chuyển động mắt của trẻ bị cườm khô sẽ chậm hơn, ít đảo qua đảo lại, hoặc khó tập trung nhìn vào một vật; bé thường quờ quạng và khả năng nhìn gần tốt hơn nhìn xa.
Một cách nhận biết khác là phụ huynh chụp hình con em mình bằng flash điện thoại, kiểm tra xem hình ảnh phần tròng mắt của trẻ có xuất hiện dấu chấm đỏ hay không. Nếu có chấm đỏ tức là dấu hiệu tốt, nguyên nhân do đèn flash đánh vào trong lớp thần kinh võng mạc, chứa nhiều máu, do đó nó hắc ánh sáng ra ngoài sẽ là màu hồng hoặc màu đỏ. Nếu tròng mắt không có chấm đỏ, rất có thể mắt bị vấn đề cườm khô hoặc bệnh về mắt khác, khi đó trẻ cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Để tìm hiểu thêm về phẫu thuật đục thủy tinh thể cho trẻ nhỏ, phụ huynh có thể liên hệ Khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ, Bệnh viện FV qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33.