Tin tức

Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp: Tôi chưa từng có biểu hiện bệnh trước đây

Khi bệnh nhân được đưa đến trước cửa phòng can thiệp tim mạch (Cathlab), tim đã ngừng đập. Trước đó chỉ vài mươi phút, bệnh nhân đến Bệnh viện FV trong tình trạng đau ngực, nhưng vẫn còn tỉnh táo. Người bệnh cho biết, bản thân chưa từng trải qua triệu chứng tương tự như thế này.

Kịp thời đến bệnh viện trong giờ vàng cấp cứu tim mạch

Trong lúc đang tập thể dục, ông R.C. (53 tuổi, Canada) cảm thấy ngực có những cơn đau thắt nên vội báo cho người nhà. Ngay lập tức, gia đình đã gọi xe cấp cứu để đưa ông đến một phòng khám quốc tế trên địa bàn Quận 2. Ê-kíp cấp cứu tại đây nhận định tình huống có dấu hiệu liên quan đến bệnh lý tim mạch nghiêm trọng, nên đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện FV.

Tại Khoa Cấp cứu – Bệnh viện FV, các bác sĩ chẩn đoán ông R.C. đang gặp tình trạng nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI). Bệnh lý này gây hoại tử cơ tim do động mạch vành bị tắc nghẽn, dẫn đến thiếu máu nuôi cơ tim. Thời gian cứu sống bệnh nhân lúc này được tính từng phút. Ngay lập tức, ê-kíp can thiệp tim mạch và đội ngũ gây mê hồi sức, phòng can thiệp tim mạch (Cardiac Cathlab) được khởi động, sẵn sàng để tiến hành thủ thuật trong vài phút sau đó.

Song song với việc xử lý cấp cứu tim mạch, ê-kíp can thiệp cũng kích hoạt quy trình phòng chống dịch tương tự như đối với bệnh nhân mắc COVID-19. Tất cả nhân viên y tế tham gia vào việc thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân phải sử dụng dụng cụ bảo vệ cá nhân (PPE) và khẩu trang chuyên dụng. Khu vực phòng mổ và phòng Cardiac Cathlab cũng được xử lý thông khí đặc biệt đảm bảo tiêu chuẩn trong kiểm soát nhiễm khuẩn. Đồng thời, bệnh nhân lập tức được lấy mẫu xét nghiệm SAR-COV-2 bằng PCR Fast-track (có kết quả PCR trong 2 tiếng), để xác định khu vực theo dõi sau phẫu thuật là tại Khoa Điều trị COVID-19 hay tại các chuyên khoa khác.

Dr Ho Minh Tuan and the medical team perform surgery in the Cardiac Cathlab

Bác sĩ Hồ Minh Tuấn cùng êkip đang thực hiện thủ thuật tại Phòng Can thiệp Tim Mạch (Cardiac Cathlab)

Ông R.C được chuyển ngay đến phòng can thiệp, thế nhưng biến chuyển nhồi máu cơ tim của bệnh nhân diễn ra nhanh hơn dự đoán Khi đến trước cửa phòng can thiệp tim mạch, ông R.C. đã ngưng tim. Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Minh Tuấn (Trưởng Khoa Tim mạch), trưởng ê-kíp can thiệp tim mạch cho biết: “Chúng tôi phải vừa hồi sức bằng máy ép tim, xoa bóp tim ngoài lồng ngực kết hợp sốc điện để phục hồi tuần hoàn trước khi can thiệp. Nếu không thực hiện thủ thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, chúng tôi không muốn lỡ mất giờ vàng”. Sau khi tuần hoàn ổn định trở lại, tim bệnh nhân tiếp tục xuất hiện nhiều cơn loạn nhịp, các bác sĩ quyết định vừa tiếp tục hồi sức và vừa tiến hành can thiệp đồng thời.

Thông qua trang thiết bị hiện đại tại phòng can thiệp tim mạch, ê-kíp đã nhanh chóng xác định được vị trí mạch vành đang tắc nghẽn. Sau đó các bác sĩ đã tái thông lại mạch máu, đặt thành công 1 stent để giữ ổn định tại vị trí mạch vành bị tắc. Sau 15 phút thì ca can thiệp thành công, ông R.C. có sinh hiệu bình thường và huyết áp cũng dần ổn định.

Bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc tại phòng hồi sức tích cực. Một ngày sau ca can thiệp, ông R.C. đã phục hồi tri giác tốt, các thông số xét nghiệm và lâm sàng đều tốt nên bệnh nhân được chỉ định ngưng thở máy và chuyển sang khu vực chăm sóc thông thường. Bác sĩ Minh Tuấn cho biết thêm, trường hợp của ông R.C. khá may mắn khi gia đình đã có phản ứng nhanh và đưa ông đến bệnh viện kịp thời, nếu vượt quá giờ vàng thì tình huống có thể đã xấu đi rất nhiều.

Tầm soát tim mạch thường xuyên để tránh tình huống hiểm nghèo

Ông R.C. cho biết mình có tiền sử bị cao huyết áp và rối loạn lipid máu (hay còn gọi là mỡ máu xấu, là tình trạng tăng cholesterol, tăng triglycerid hoặc tăng LDL-c), tuy nhiên trước nay chưa từng bị triệu chứng đau tức ngực. “Do công việc bận rộn, cộng với sức khỏe cũng khá ổn định nên tôi chỉ khám định kỳ hàng năm theo lịch của công ty, uống thuốc hạ huyết áp và điều chỉnh rối loạn lipid máu, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc kiểm tra chuyên sâu sức khỏe tim mạch của mình” – bệnh nhân R.C. chia sẻ.

Ổng R.C và Bác sĩ Hồ Minh Tuấn trong lần tái khám thứ 2 sau khi xuất viện

Ông cho biết mình cũng đã có điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với bệnh lý rối loạn lipid máu, đồng thời duy trì một chế độ tập luyện thể dục và giảm cân. Hơn nữa, do đang rất khỏe mạnh, chưa từng gặp các dấu hiệu bệnh lý tim mạch nào, nên ông không nghĩ bản thân có thể gặp những tình huống nguy hiểm như vừa trải qua.

Bác sĩ Hồ Minh Tuấn giải thích: “Ngoài các tác động bên ngoài, yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng phần lớn đến các bệnh lý tim mạch”. Đơn cử như bệnh mỡ máu xấu, các chế độ ăn uống có thể kiểm soát 20% tình trạng bệnh, trong khi đó gen di truyền lại tác động phần nhiều đến bệnh lý này. Do đó, nhiều bệnh nhân dù trước đó không có biểu hiện bệnh lý, có một lối sống lành mạnh, nhưng vẫn có nhiều khả năng mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm do các yếu tố di truyền. Các bác sĩ tim mạch luôn khuyến cáo những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, nên thường xuyên theo dõi sức khỏe tim mạch, nhất là những người bước vào độ tuổi trung niên.

Ông R.C. được xuất viện sau 1 tuần theo dõi, khi các triệu chứng như đau ngực, khó thở cũng đã biến mất. Bệnh nhân sẽ cần tái khám mỗi 2 tuần một lần, trong vòng 2 tháng để các bác sĩ chắc chắn tình trạng sức khỏe của ông đã ổn định. Sau tình huống thập tử nhất sinh vừa qua, ông R.C. nói bản thân mình cần giảm cân, tập thể dục theo khuyến nghị của bác sĩ, đồng thời sẽ sắp xếp tầm soát sức khỏe tim mạch hằng năm để tránh tình huống hiểm nghèo tái diễn. 

Kể từ 1/11/2021, Bệnh viện FV ký kết cùng Bảo Hiểm Xã Hội TP.HCM áp dụng Bảo hiểm y tế nhà nước cho các kỹ thuật khảo sát và điều trị can thiệp tim mạch tại khoa Tim mạch FV, như: chụp, nong mạch vành, đặt stent, cấy máy tạo nhịp…

Bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế tại FV vẫn sẽ được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe như bệnh nhân khác, không phân biệt đối tượng có hay không có áp dụng bảo hiểm. Đồng thời, bệnh nhân có thể áp dụng song song các loại hình bảo hiểm sức khỏe bao gồm bảo hiểm y tế nhà nước, bảo hiểm y tế tư nhân hay bảo hiểm y tế quốc tế.

Nỗ lực này của Bệnh viện FV nhằm mục đích giảm gánh nặng viện phí cho bệnh nhân và gia đình, cũng như mở ra cơ hội để nhiều người được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc y tế theo chuẩn quốc tế của FV bằng bảo hiểm y tế nhà nước. 

Zalo
Facebook messenger