Tin tức

Bệnh viện FV giúp Cụ ông 76 tuổi thoát khỏi “Tử thần” nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm đe doạ tính mạng con người với tỉ lệ tử vong tại Việt Nam lên đến 25% – 30% . Bệnh càng thêm nhiều nguy cơ rủi ro đối với những người tuổi cao sức yếu hoặc mang nhiều tiền sử bệnh.

KHOẢNH KHẮC QUYẾT ĐỊNH SINH TỬ

2:00 sáng ngày 22.5, ông P.C.Đ được gia đình đưa đến Bệnh viện FV với tình trạng đau bụng dữ dội. Tại phòng Cấp cứu, bệnh nhân bị thêm cơn đau tức ngực khiến không thở nổi, tình trạng nhịp chậm “dọa ngưng tim” vô cùng nguy hiểm. Ngay lập tức, Bác sĩ Hạ Thị Hạnh – Bác sĩ trực khoa Cấp cứu kiểm tra nhịp tim, kê thuốc giãn mạch và thuốc giảm đau bụng cấp cho bệnh nhân. Cùng lúc đó, bác sĩ Lê Minh Đức – Chuyên khoa Tim mạch cũng có mặt để theo dõi điện tim – kết quả không thể hiện sự bất thường – nên cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm men tim. Khoảng 15 phút sau, tình trạng đau ngực của bệnh nhân dần thuyên giảm.

Lật lại bệnh sử, ông P.C.Đ từng can thiệp tim mạch và đặt 5 stent trong lòng mạch vào năm 2016. Ngoài ra, bệnh nhân cũng từng trải qua nhiều lần phẫu thuật kết hợp hóa xạ trị trong quá trình điều trị ung thư tụy, ung thư bàng quang. Bác sĩ Lê Minh Đức không loại trừ khả năng stent bị tái hẹp và tiền sử bệnh có thể là căn nguyên khiến bệnh nhân bị đau bụng và tức ngực. Bằng trực giác của một bác sĩ Tim mạch có kinh nghiệm hơn 15 năm,  bác sĩ Đức nhận thấy có điều gì đó bất thường khiến bệnh nhân từ đau bụng chuyển sang đau ngực dù kết quả điện tim vẫn bình thường. Là trực giác mách bảo hay kinh nghiệm, bác sĩ Đức vẫn không cho phép bệnh nhân gặp nguy hiểm. Ông P.C.Đ được chỉ định kiểm tra điện tim một lần nữa và lần này kết quả khiến cho cả khoa Cấp cứu phải giật mình, ST chênh lênh ở vùng dưới – dấu hiệu điển hình của nhồi máu cơ tim xuất hiện và bệnh nhân cần phải được can thiệp tim mạch gấp. “Bác sĩ cứ làm đi!” – Ông P.C.Đ không do dự đặt niềm tin vào các bác sĩ vì ông đã nhiều lần đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này.

NHIỀU CHUYÊN KHOA CÙNG THÁO GỠ  “NÚT THẮT”

Ngay lúc đó, Phòng Can thiệp Tim mạch (Cathlab) của FV được khởi động, Trưởng khoa Tim mạch FV – Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long và ê-kíp đưa bệnh nhân P.C.Đ vào điều trị. Dựa trên hình ảnh chụp mạch vành, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long xác định bệnh nhân bị tái hẹp ngay vị trí stent đã đặt trước đó, tình trạng tắc mạch vành nhánh phải chi phối toàn bộ động mạch phần dưới. Với kinh nghiệm điều trị thành công hơn 10.000 ca bệnh,  bác sĩ Ngọc Long nhẹ nhàng đặt ống thông vào nội mạch nong lại đoạn tái hẹp, đồng thời đặt chuẩn xác stent mới vào vị trí đó. Ca thủ thuật kéo dài trong vòng một giờ đã thành công, giúp ông P.C.Đ thoát khỏi tình trạng tức ngực.

Sau đó, ông P.C.Đ được nghỉ ngơi tại khoa Nội và phát sinh tình trạng bụng chướng khiến ông đau và khó chịu. Bác sĩ Phan Văn Thái – Chuyên Khoa Ngoại Tổng Quát FV được mời đến để kiểm tra. Sau khi chụp CT ổ bụng, bác sĩ Thái lý giải bệnh nhân bị tắc ruột non cơ học do sẹo dính của vết mổ bụng những năm trước. Bác sĩ Thái chỉ định điều trị bảo tồn bằng cách đặt ống sonde miệng – dạ dày hút liên tục để giảm áp trong lòng ruột, bồi phụ nước điện giải và theo dõi sát khả năng phải mổ cấp cứu nếu diễn tiến không thuận lợi. Vài ngày sau đó, tình trạng tắc ruột được cải thiện, bệnh nhân đánh hơi được, dần ăn uống lại bình thường.

12 ngày kể từ khi nhập viện, ông P.C.Đ đã ổn định và xuất viện về nhà. Tuy nhiên, sức khỏe ông vẫn cần được chú ý vì mạch vành còn có 3 vị trí hẹp đến 80% – 90%. Khi sức khỏe tốt hơn, ông có thể điều trị tiếp tục để an toàn sức khỏe.

Nhìn lại quá trình điều trị bệnh, các triệu chứng mà ông P.C.Đ gặp phải dồn dập đến như hiệu ứng “domino”. Tình trạng đau bụng ban đầu là dấu hiệu của tắc ruột do dính, cơn đau như “giọt nước tràn ly” đã kích thích và khởi động cơn nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đang có hẹp động mạch vành. Nhờ có sự can thiệp kịp thời cũng như sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ khoa Cấp cứu, khoa Tim mạch và khoa Ngoại FV mà ông P.C.Đ đã được cứu sống qua nhiều lần nguy cấp.

Zalo
Facebook messenger