Chiều ngày 16/09/2022, Bệnh viện FV đã tổ chức thành công chương trình đào tạo cấp CME chủ đề “Chiến lược Kiểm soát Béo Phì và Biến chứng Tim Mạch trong bệnh Béo Phì” với hình thức trực tiếp tại Hội trường lầu 3, Tòa nhà F, Bệnh viện FV và trực tuyến thông qua ứng dụng phần mềm Microsoft Teams. Chương trình đã thu hút hơn 200 người tham gia là các bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên y tế tại khu vực TP.HCM và Hà Nội quan tâm đến lĩnh vực này.
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả hiện là bác sĩ chuyên khoa trong lĩnh vực dinh dưỡng, tim mạch, nội khoa, ngoại tổng quát, y học cổ truyền như:
- BS. Gail A. Cresci – Nguyên Chủ tịch ASPEN (Hiệp hội Dinh dưỡng Tĩnh mạch và Tiêu hóa Hoa Kỳ); Giám đốc – Nghiên cứu Dinh dưỡng, Trung tâm Dinh dưỡng, Phòng khám Cleveland, Cleveland, OH
- BS. Eliza Mei Perez Francisco – Trưởng phòng khám Quản lý Cân nặng, Trung tâm Y tế Mary Mediatrix, Thành phố Lipa, Batangas – Philippine Chủ tịch ICNS -ASPEN (Bộ phận Dinh dưỡng Lâm sàng quốc tế – ASPEN) & Cựu Chủ tịch PhilSPEN (Hiệp hội Dinh dưỡng Tĩnh mạch và Tiêu hóa Philippine)
- BS. Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện FV
- Lương Ngọc Trung – Bác sĩ phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện FV
- ThS, BS CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện FV Phó chủ tịch VDA (Hiệp hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam)
- BS CKII. Phan Văn Thái – Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Lồng ngực & Mạch máu, Bệnh viện FV
- Bác sĩ chuyên khoa Trị Liệu Thần Kinh Cột Sống Wade O’brien Brackenbury – Giám đốc điều hành & Giám đốc Y Khoa Phòng khám Trị liệu Thần kinh cột sống ACC – Thành viên của Tập đoàn FV
- BS CKI. Nguyễn Nam Bình – Chuyên gia giảm đau, Kiểm soát cơn đau, Bệnh viện FV
- BS CKI. Diệc Khả Hân – Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện FV
- BS. Nguyễn Thùy Linh – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết Chế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Chị Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc Điều hành Bệnh viện FV (áo hồng), trao hoa cho các diễn giả tham gia chương trình.
Phát biểu khai mạc, chị Phạm Thị Thanh Mai – Giám đốc Điều hành Bệnh viện FV cho biết: “Hiện tượng béo phì xảy ra do lối sống 15/9, Bộ Y Tế đưa ra chiến lược kiểm soát béo phì. Hơn 20% dân số có vấn đề về cân nặng. Đây không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà diễn ra trên toàn cầu do mất cân bằng về lối sống, môi trường, dịch Covid-19… khiến cân nặng của dân số toàn cầu bị mất kiểm soát trở lại. Béo phì gây ra nhiều vấn đề cho sức khoẻ và trở thành gánh nặng y tế mới nên cần có giải pháp toàn diện và đầy đủ. Đó là lý do Bệnh viện FV tổ chức CME ngày hôm nay với mong muốn mang lại cho người tham dự thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị và kiểm soát bệnh lý béo phì”.
Mở đầu buổi đào tạo, TS. BS. Gail A. Cresci đã trình bày về chủ đề “Hệ vi khuẩn đường ruột và béo phì: Vai trò của Prebiotic và Probiotic” nêu ra những đặc điểm liên quan giữa béo phì và sự hiện diện của rối loạn sinh học đường ruột so với người không béo phì. Hậu quả của việc rối loạn sinh học có thể làm thay đổi năng lượng và chuyển hóa lipid sẽ kích thích tăng mỡ cơ thể. Rối loạn sinh học dẫn đến có thể thay đổi hoạt động của hàng rào khuẩn ruột và chức năng miễn dịch tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển hóa nội độc tố trong máu và làm thay đổi việc sản xuất các peptit Gl liên quan đến cảm giác no và tăng lượng thức ăn vào. Đồng thời, Hiểu những thay đổi xảy ra trong hệ vi sinh vật đường ruột của những người béo phì và hậu quả sinh lý là cần thiết để phát triển và kiểm tra ruột các chiến lược điều trị nhắm trúng đích mục tiêu vi sinh vật.
Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế FV
Nối tiếp chương trình là phần trình bày của Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế FV với chủ đề “Các phương pháp dinh dưỡng giúp giảm cân” giúp nêu ra tình trạng, nguyên nhân, phương pháp đánh giá, biến chứng, hậu quả và đặc biệt là chế độ dinh dưỡng giúp bệnh nhân kiểm soát cân nặng. Trong đó, bác sĩ Quỳnh Thư nhấn mạnh, biến chứng của bệnh béo phì liên quan đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể và gây ra các bệnh lý như: Chứng ngưng thở khi ngủ, Bệnh phổi, Bệnh gan, Sỏi mật, Đột quỵ, Bệnh tim, Bệnh tiểu đường, Viêm tụy, ung thư, Viêm khớp, Bệnh Gout, Trầm cảm, biến chứng về tạng, … Đồng thời, bác sĩ Quỳnh Thư còn đưa ra những khuyến cáo về chế độ ăn dinh dưỡng giúp giảm cân và khuyến khích người bệnh thay đổi lối sống, tăng cường vận động.
Thông qua phần chia sẻ về “Kinh nghiệm Quản lý cân nặng Tại Philippine”, TS. BS. Eliza Mei Perez Francisco đã có những chia sẻ về việc xác định vai trò của nhóm thành viên trong quản lý cân nặng hiệu quả nhất với chuyên khoa dinh dưỡng. Mỗi thành viên đóng một vai trò tiếp cận giúp đỡ bệnh nhân vượt qua những thách thức của thay đổi lối sống và để giảm cân thành công. “Các nguyên tắc và thuật toán quản lý cân nặng giúp chúng tôi trong việc thực hiện một kế hoạch chăm sóc toàn diện với các chiến lược điều trị béo phì dựa trên cơ sở khoa học được công nhận tại địa phương và trên toàn cầu”.
Thạc sĩ Bác sĩ Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim Mạch, bệnh viện FV
Phần trình bày của bác sĩ phẫu thuật lồng ngực và mạch máu Lương Ngọc Trung
Trong chủ đề “Béo phì và Bệnh lý Tim Mạch” do bác sĩ Hồ Minh Tuấn và “Béo phì và Giãn tĩnh mạch” do bác sĩ Lương Ngọc Trung trình bày đã nêu ra những mối liên hệ mật thiết giữa béo phì và bệnh lý tim mạch. Những người bị béo phì thường có nguy cơ cao bị suy tim, đột quỵ hoặc mắc phải một số căn bệnh về tim mạch khác. Điều này bắt nguồn từ sự phát triển rung nhĩ do béo phì, khiến tim bị loạn nhịp và dần dần hình thành nên các cục máu đông. Đồng thời, khi bị béo phì áp lực của cơ thể sẽ tăng lên nhất là khi đứng làm cho việc máu trở về tim bằng đường tĩnh mạch trở nên rất khó khăn. Áp lực trong lòng tĩnh mạch sẽ tăng lên, khiến thành tĩnh mạch của tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu bị giãn lớn, và khi đó sẽ làm cho van tĩnh mạch đóng không kín làm máu trào ngược về phía dưới. Từ đó sẽ gây ra tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới làm chân sưng phù, nặng nề, chuột rút. Đau và tê chân, nặng hơn nữa là tình trạng giãn lớn các tĩnh mạch ngoại vi và có thể đưa đến tình trạng hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch.
Bác sĩ Phan Văn Thái – Trưởng khoa Ngoại Tổng Quát, bệnh viện FV
Bên cạnh chế độ ăn uống, tập luyện thì phẫu thuật là phương pháp hiệu quả giúp loại bỏ và cải thiện đáng kể các vấn đề về sức khỏe cũng như tâm lý của người bị béo phì. Với chủ đề “Phẫu thuật Giảm cân” do bác sĩ Phan Văn Thái đã giúp người tham dự hiểu rõ hơn về phương pháp này vì không phải bệnh nhân béo phì nào cũng đủ điều kiện phẫu thuật mà phải đáp ứng đủ các yêu cầu tối thiểu sau: Chỉ số BMI từ 40 trở lên, hoặc từ 30 đến 39,9 và có mắc các bệnh lý nghiêm trọng đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, các vấn đề về khớp, … Nói tóm lại, phẫu thuật có thể cực kì hiệu quả trong trường hợp bệnh nhân béo phì đã xuất hiện các biến chứng do căn bệnh này mang lại.
Bác sĩ chuyên khoa Trị Liệu Thần Kinh Cột Sống Wade O’brien Brackenbury trình bày tại hội thảo
Bác sĩ CKI Nguyễn Nam Bình – Bác sĩ điều trị cấp cao, Trung tâm điều trị đau FV
Nối tiếp chương trình là chủ đề “Phục hồi chức năng sau phẫu thuật” do bác sĩ Wade O’brien Brackenbury trình bày cũng góp phần giúp bệnh nhân có thể phục hồi nhanh chóng và trở lại sinh hoạt sớm nhất có thể. Ngoài ra, chủ đề “Cập nhật các hướng dẫn điều trị đau thần kinh trong thực hành nội khoa” do bác sĩ Nguyễn Nam Bình tưởng chừng không liên quan đến béo phì nhưng thực ra ở đối tượng bệnh nhân này họ thường có những cơn đau thần kinh ngoại biên như: cảm giác châm chích, tê bì, nóng rát, mất thăng bằng, đau thần kinh ngoại vi,… bác sĩ Nam Bình cũng cập nhật các phương pháp giúp bệnh nhân giảm đau đa phương thức như: dùng thuốc uống, tiêm thấm, điều trị tâm lý, thay đổi lối sống, cân bằng dinh dưỡng và tăng cường tập luyện.
Bác sĩ Trưởng khoa Y học Cổ Truyền Diệc Khả Hân
Ngoài các phương pháp điều trị và kiểm soát béo phì hiện đại thì y học cổ truyền cũng có “phương pháp cấy chỉ giảm cân” do bác sĩ Diệc Khả Hân trình bày cũng là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Cấy chỉ là thủ thuật đưa chỉ tự tiêu vào huyệt dưới da, tạo ra các phản ứng hóa – sinh tại chỗ, làm tăng tái tạo protein và carbohydrate. Đồng thời thủ thuật cũng làm tăng chuyển hóa dinh dưỡng của cơ, tăng trương lực các sợi cơ, cải thiện tuần hoàn máu cho vùng cấy chỉ, hoặc tiêu đốt mô mỡ… do đó giúp hạn chế rất thấp các tác dụng phụ trong điều trị, hiệu quả lâu dài và ít gặp các biến chứng sau điều trị.
Với những kinh nghiệm thực tế lâm sàng trong quá trình điều trị béo phì cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thùy Linh đem đến chương trình cho CME một tình huống lâm sàng về bệnh nhân béo phì độ 3 giúp người tham dự hiểu thêm về các phương pháp chẩn đoán, điều trị dinh dưỡng và chế độ ăn giúp bệnh nhân có thể trở về được số cân nặng bình thường, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chương trình kết thúc thành công tốt đẹp sau hơn 4 giờ đồng hồ, mang đến cho người tham dự những thông tin hết sức bổ ích về các vấn đề liên quan đến điều trị và kiểm soát bệnh lý béo phì. Hi vọng, với kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ trong buổi đào tạo, các nhân viên y tế tham gia sẽ có thể hiểu thêm về lĩnh vực này và ứng dụng hiệu quả vào quá trình khám chữa bệnh, mang lại chất lượng điều trị ngày một tốt hơn cho người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân béo phì đang phải đối mặt với những nguy cơ bệnh lý liên quan.
Một số hình ảnh khác tại hội thảo: