Chiều ngày 14 tháng 8 năm 2024, Bệnh viện FV đã tổ chức thành công chương trình đào tạo cấp Chứng chỉ Giáo dục Y khoa Liên tục (CME) với chủ đề “Chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc tại nhà – Kinh nghiệm thực tiễn tại Nhật Bản và Việt Nam”. Chương trình thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các bác sĩ tại Bệnh viện FV cùng nhiều đơn vị y tế khác trong khu vực TP.HCM.
Hai lĩnh vực mang lợi ích đặc biệt cho bệnh nhân
Chương trình không chỉ là cơ hội để các bác sĩ nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc tại nhà tại Việt Nam. Hội thảo cung cấp một nền tảng để các chuyên gia y tế chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, từ đó tối ưu hóa các phương pháp điều trị và mang lại những trải nghiệm chất lượng hơn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.
ThS.BS. Vũ Trường Sơn, Quyền Giám đốc Y khoa (bìa trái) tặng quà cảm ơn các diễn giả chương trình
Trong phần phát biểu khai mạc, ThS.BS. Vũ Trường Sơn, Quyền Giám đốc Y khoa – Bệnh viện FV, đã nhấn mạnh về lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ và những lợi ích mà nó mang lại cho người bệnh. Ông chia sẻ: “Chăm sóc giảm nhẹ không chỉ tập trung vào các khía cạnh y khoa mà còn cần quan tâm đến các yếu tố kinh tế, tâm lý và các mối quan hệ xã hội xung quanh của bệnh nhân tác động vào điều trị”. Những yếu tố này, mỗi phần đều đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nối tiếp chương trình, bác sĩ Shuji Hiramoto – Giám đốc Phòng khám Peace Home Care, Khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, đã giới thiệu mô hình chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản, nơi có hệ thống chăm sóc tại nhà rất chi tiết, chặt chẽ và hiệu quả. Ông nêu lên thực trạng về sự chênh lệch giữa mong muốn của bệnh nhân được chăm sóc tại nhà và thực tế họ thường qua đời tại bệnh viện, một yếu tố thúc đẩy Nhật Bản phát triển mạnh hệ thống chăm sóc tại nhà.
Bác sĩ Shuji Hiramoto dành phần lớn sự nghiệp để phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho bệnh nhân của ông
Bác sĩ Hiramoto và các cộng sự đã thực hiện nhiều nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe tại nhà, ông thấy rằng chi phí của dịch vụ này sẽ thấp hơn khá nhiều so với việc bệnh nhân phải lưu lại viện. Ông cũng đề xuất một số phương án giúp phát triển hệ thống chăm sóc tại nhà như: Hỗ trợ tài chính, y tế, tâm lý cho nhân viên; tăng cường hệ thống ở các khu vực khó tiếp cận y tế; tạo mạng lưới hợp tác giữa các nhân viên và các bệnh viện trong cùng một hệ thống chăm sóc tại nhà;…
Trong cùng chủ đề, Bác sĩ Phạm Hoàng Mạnh, Trung tâm Điều trị Đau, Bệnh viện FV, đã có những chia sẻ thực tế, từ kinh nghiệm tham quan, học tập ở hệ thống chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh viện Đại học Kyoto Prefectural University of Medicine (KPUM), Nhật Bản. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc toàn diện, bao gồm cả yếu tố kinh tế và tôn giáo, các vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Hoàng Mạnh chia sẻ nhiều điểm hay trong hệ thống chăm sóc tại nhà của Nhật Bản, mà Việt Nam có thể học hỏi
Bác sĩ Mạnh cũng giới thiệu hệ thống Medi-care tiên tiến tại Nhật, được hỗ trợ toàn dân với một mức chi phí vừa phải. Hệ thống này cung cấp đầy đủ các dịch vụ, nhân lực, thuốc men,… cho chăm sóc y tế tại nhà. Quy trình bài bản tại Nhật và việc hỗ trợ đào tạo y khoa diện rộng cho lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc y tế tại nhà, phần nào đã minh chứng vị trí cao của quốc gia này trên bảng xếp hạng thế giới về chất lượng y tế.
Kết nối các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ tại nhiều chuyên khoa khác nhau
Tiếp theo, trong chủ đề “Vai trò của xạ trị trong quản lý đau cho bệnh nhân ung thư”, Bác sĩ Basma M’Barek – Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng – Bệnh viện FV, đã nhận được nhiều sự quan tâm về phương pháp dùng xạ trị để giúp giảm đau, cầm máu và giảm chèn ép mạch máu do khối u gây ra. Bác sĩ Basma cho biết: “Phương pháp này ngày nay thích hợp cho hầu hết các bộ phận trên cơ thể, mang lại một lựa chọn tốt cho cả bác sĩ và bệnh nhân”. Xạ trị trong điều trị giảm nhẹ có tác dụng kháng viêm, tiêu diệt các tế bào bướu, giúp giảm kích thước các khối u, giảm tăng sinh mạch máu, từ đó hạn chế các chèn ép có thể gây đau do khối u.
Bác sĩ Basma M’Barek nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng cuộc sống trong giai đoạn cuối đời của bệnh nhân ung thư nên là ưu tiên hàng đầu
Hiện nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính hữu hiệu của phương pháp này khi có 60% bệnh nhân đáp ứng điều trị và 50% đáp ứng hoàn toàn, hiệu quả kéo dài trên 3 tháng. Tại Bệnh viện FV, xạ trị được bảo hiểm hỗ trợ nên có thể giúp bệnh nhân tiếp cận dịch vụ với chi phí thấp và hiệu quả cao. Ngoài ra, BS. Basma đặc biệt lưu ý, vào giai đoạn cuối đời của người mắc ung thư, việc điều trị quyết liệt để kéo dài sự sống sẽ không quan trọng bằng giúp họ có cuộc sống chất lượng, thoải mái và không đau đớn.
Cũng trong thảo luận về điều trị giảm nhẹ và quản lý đau trong ung thư, Bác sĩ CKI. Nguyễn Nam Bình – Trung tâm Điều trị Đau Bệnh viện FV, đã nêu ra một thực trạng là có đến 55% bệnh nhân ung thư phải đối mặt với các cơn đau và cần chăm sóc giảm nhẹ. Bác sĩ Nam Bình đã giới thiệu các phương pháp kiểm soát đau, bao gồm thuốc, phong bế thần kinh, các phương pháp hiện đại khác. “Việc đánh giá và quản lý đau một cách toàn diện sẽ mang đến hiệu quả điều trị tối ưu hơn cho người bệnh”, BS. Bình chia sẻ. Ngoài ra, chị cho biết, sắp tới Trung tâm Điều trị đau và Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng sẽ thiết lập các quy trình làm việc chung chặt chẽ hơn, qua đó sẽ giúp cải thiện hiệu quả quản lý và điều trị đau cho bệnh nhân ung thư.
Bác sĩ Nam Bình chia sẻ nhiều phương án nhằm hỗ trợ điều trị đau cho bệnh nhân ung thư
Phần cuối chương trình, ThS.BS.CKI Nguyễn Huỳnh Hà Thu – Trung tâm Điều trị ung thư Hy Vọng – Bệnh viện FV, đã mang đến chủ đề “Truyền hỗn hợp gây tê ngoài màng cứng kết hợp xạ trị”. Đây cũng là bài báo cáo bằng áp phích sẽ được bác sĩ Thu trình bày tại Hội nghị ‘ESTRO meets Asia 2024’ cuối tháng 08 tại Malaysia.
Phương pháp kết hợp này giúp giảm đau cho bệnh nhân không đáp ứng với thuốc giảm đau, đồng thời tăng hiệu quả và kéo dài thời gian giảm đau. “Nhiều bệnh nhân quá đau nên không thể giữ cố định tư thế khi tham gia quá trình xạ trị. Phương pháp này sẽ rất hữu dụng cho các nhóm bệnh như vậy”, BS. Hà Thu cho biết thêm.
Phương pháp điều trị đau kết hợp ‘gây tê ngoài màng cứng và xạ trị” sẽ tiếp tục được BS. Hà Thu trình bày tại hội nghị quốc tế.
Thông qua chương trình đào tạo cấp CME “Chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc tại nhà – Kinh nghiệm thực tiễn tại Nhật Bản và Việt Nam”, Bệnh viện FV hy vọng đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích và kinh nghiệm thực tiễn về 2 lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Bệnh viện FV sẽ tiếp tục kết nối với các bác sĩ và chuyên gia quốc tế, để mang đến các khóa đào tạo với kiến thức mới và kỹ thuật tiên tiến, mục tiêu là giúp người bệnh Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận y học hiện đại trên thế giới ngay tại quê hương.