Tin tức

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV - Kỳ 1

Đại dịch Covid-19 đã qua hơn 1 năm nhưng ký ức của nó để lại sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng những người đã đi qua ngày tháng đó.

Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, cùng với lực lượng ngành y tế TPHCM, các bác sĩ, nhân viên bệnh viện FV đã tham gia các chiến dịch tiêm chủng cộng đồng, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại FV với tinh thần quả cảm và quyết tâm. Họ đã làm được những điều kỳ diệu, góp phần đẩy lùi đại dịch, từng bước mang lại sự hồi sinh cho thành phố năng động.

Nhân dịp tổ chức triển lãm ảnh “Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV” trong tháng 12, những câu chuyện, quyết định cân não được chia sẻ lại, như một sự nhắc nhớ về tháng ngày khó khăn, thêm động lực vượt qua thách thức phía trước.

Hành động thần tốc tách đôi bệnh viện được toàn nhân viên nhớ mãi, bởi trong bối cảnh Covid-19 bùng phát dữ dội giữa năm 2021 tại TPHCM, dẫn đến quá tải nhập viện, thiếu nguồn lực, bệnh nhân tử vong tăng…, FV đã có những quyết sách dũng cảm, thần tốc để cứu giúp bệnh nhân.

“Bệnh nhân không biết đi đâu về đâu”

Cuối tháng 6/2021, số ca mắc mới Covid-19 tại TPHCM dồn dập tăng. Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 đã được thành lập nhưng vẫn không đủ đáp ứng; trong khi nhiều bệnh viện khác trong tình trạng phong tỏa, đóng cửa. Khi ấy, lượng bệnh nhân tìm đến Bệnh viện FV ngày một đông, hầu hết là các ca nặng có kèm bệnh nền như tim mạch, tiểu đường…

Bác sĩ Trình Văn Hải – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV – nhớ lại, chưa bao giờ FV chứng kiến cảnh tượng bệnh nhân ùn ùn kéo đến đông nghịt ở khoa Cấp cứu như thời điểm đó. Trước tình trạng quá tải, các bệnh nhân đã phải nằm chờ điều trị trên băng ca từ hành lang ra đến bãi giữ xe dưới những mái lều tạm bợ.

“Chúng tôi cảm thấy bị sốc. Số lượng bệnh nhân lớn, đến dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn, đa số là bệnh nhân nặng – suy hô hấp. Toàn bộ hệ thống y tế gần như bị đông cứng và nhiều người dân – những người cần cấp cứu, hỗ trợ, chăm sóc y tế – không biết đi đâu cả”, ông nói.

Trái ngược với lượng bệnh nhân tăng đột biến thì lực lượng khám chữa bệnh cũng như hỗ trợ tại FV lại rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Có những thời điểm nhân lực FV hao hụt đến cả gần 200 nhân viên cùng một lúc, do phải cách ly F0 và F1 theo quy định. Lãnh đạo bệnh viện phải thuê các khách sạn gần bệnh viện để nhân viên cách ly an toàn và sớm trở lại bệnh viện làm việc.

Giữa tình hình vô cùng khó khăn, FV vẫn kiên quyết không đóng cửa. Số nhân viên y tế còn lại làm việc với ngày dài hơn, nhiều giờ hơn để “quyết tâm cố gắng không phải từ chối bất cứ bệnh nhân nào”, như lời bác sĩ Jean-Marcel Guillon – Tổng Giám đốc FV đã định hướng và động viên.

Đến quyết định thần tốc “tách đôi bệnh viện”

Với tinh thần “không từ chối bất cứ bệnh nhân nào”, đầu tháng 7/2021, Ban Giám đốc Bệnh viện FV đã nhanh chóng đưa ra quyết định dũng cảm – hoạt động theo mô hình “bệnh viện tách đôi”. Theo đó, một nửa điều trị bệnh nhân Covid-19, với các yêu cầu đặc biệt về nhân sự cũng như trang thiết bị y tế; còn nửa kia tiếp nhận bệnh nhân thông thường và các bà mẹ sinh con (không bị nhiễm Covid-19).

Bệnh viện FV được tách làm hai để vừa điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vừa điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh khác (Ảnh: FV).

Quyết định nhanh chóng này thực ra không quá bất ngờ, do FV đã có kế hoạch chuẩn bị từ khi được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp Real Time PCR và tham gia tuyến đầu chống dịch từ tháng 4/2020. Nhưng đây cũng là một quyết định đầy thách thức với một bệnh viện tư như FV, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu thốn nguồn lực trang thiết bị y tế nghiêm trọng, cũng như khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội.

Đầu tiên là cơ sở vật chất. Khu điều trị nội trú thuộc Khoa Nội là nơi đầu tiên được chuyển thành Khoa Điều trị Covid-19. Ban đầu khoa có 4 phòng, sau tăng lên 9 phòng với 22 giường bệnh. Khi dịch tiếp tục bùng phát cao điểm, Khoa Điều trị Covid-19 được mở rộng trên toàn bộ khu nội trú tại lầu 4 với 63 giường cho người không cần máy thở và 15 giường hỗ trợ HFNC (High Flow Nasal Cannula – Liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi).

Nhưng với số ca dương tính tăng nhanh ngoài cộng đồng, bệnh viện cứ mở thêm phòng nào để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 lập tức kín phòng đó. Tổng đài tiếp nhận bệnh nhân liên tục reo với những lời kêu cứu đầy ám ảnh.

Để đáp ứng với tình trạng bệnh nhân ồ ạt kéo đến, Phòng Kỹ thuật và Trang thiết bị Y tế của FV đã phải làm việc liên tục, để thay đổi và thiết lập hàng loạt cơ sở hạ tầng cho phù hợp với tình hình mở rộng của khoa.

Cùng với đó là việc gấp rút đầu tư hàng loạt các trang thiết bị y tế cần kíp như phòng điều trị áp lực âm, hệ thống oxy hóa lỏng, mua máy móc và bình oxy đủ để điều trị cho một số lượng bệnh nhân cần thở oxy liều cao, lối đi riêng và tách biệt để tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân không mắc Covid-19… Khoa cấp cứu nhanh chóng dựng thêm phòng, mua thêm container để làm phòng tiếp nhận, dựng tiếp lều che tạm. Mọi cố gắng xoay xở của đội ngũ y bác sĩ lúc ấy cũng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Lịch sử phát triển và hình thành của FV đứng trước tình huống chưa bao giờ xảy ra.

“Trong thời gian ngắn, FV đã đầu tư rất lớn về cả nhân lực và tài chính, ráo riết thu mua thiết bị, tiến hành thi công cả ngày lẫn đêm, suốt 24/7 để thực hiện thần tốc kế hoạch này. Mục tiêu của chúng tôi khi đó là vẫn duy trì vai trò của bệnh viện ở tuyến đầu chống dịch và tiếp tục đáp ứng việc điều trị an toàn cho các bệnh nhân khác tại bệnh viện. Tách đôi bệnh viện là một quyết định đúng đắn và dũng cảm của đội ngũ FV”, bà Phạm Thị Thanh Mai – Giám đốc điều hành Bệnh viện FV – nhớ lại.

Thách thức lớn khác là yếu tố nhân lực. Do FV hoạt động dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng do JCI (tổ chức thẩm định chất lượng y tế hàng đầu thế giới) quy định, nên trong bất kỳ quy trình điều trị nào, vẫn phải đáp ứng yêu cầu nhân lực y tế đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Nhưng thời điểm đó, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, cả những người phục vụ hỗ trợ khác tại FV không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu hụt về số lượng mà còn chưa từng điều trị chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 – một căn bệnh hoàn toàn mới, với nguy cơ chuyển nặng nhanh chóng và bất ngờ. Nhiều bác sĩ hàng chục năm tuổi nghề đều thừa nhận chưa bao giờ gặp tình huống khó khăn đến thế; trong khi “điều dưỡng lâu năm giờ cũng xem như người mới”.

Khoa điều trị Covid-19 của FV nhanh chóng được thành lập. Các y bác sĩ được điều chuyển từ các bộ phận khác nhau để cấu thành một khoa mới do bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim Mạch, xung phong đảm nhiệm trọng trách trưởng khoa. Tất cả họ vừa làm, vừa học, qua tài liệu nghiên cứu từ các tổ chức uy tín thế giới, qua quy trình từ trên phổ biến xuống, qua kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân. Đội ngũ điều trị phải vừa làm vừa cập nhật lượng kiến thức rất lớn, thực hành theo những hướng dẫn quốc tế của Anh, Mỹ, EU và Bộ Y tế Việt Nam.

“Mọi thứ đều mới mẻ, nên ai cũng phải cập nhật kiến thức, vừa làm vừa học từ thực tế. Có người chỉ được học việc 2, 3 ngày là đã phải giáp mặt với thực tế khốc liệt phía bên trong cánh cửa phòng bệnh nhân”, chị Chu Thị Nguyệt Anh – Điều dưỡng trưởng khoa Nội – xúc động kể.

Với sự đồng lòng và quyết tâm cao độ từ tập thể hàng trăm con người, “cuộc chiến” chống Covid-19 tại bệnh viện FV đã dần có những chuyển biến tích cực. Ngày càng nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện về nhà, trong đó có cả những bệnh nhân lớn tuổi, mang nhiều bệnh nền. Nụ cười của họ khi xuất viện chính là nguồn động viên cho đội ngũ tuyến đầu của FV, và cho thấy tính đúng đắn – ý nghĩa nhân văn trong quyết định của FV khi người dân đang cần nhất.

Từ ngày 8/12/2022, Bệnh viện FV tổ chức triển lãm ảnh “Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV”, nhằm tôn vinh những cống hiến của đội ngũ FV đã cùng nhau vượt qua khó khăn và đưa bệnh viện FV vững vàng đi qua đại dịch với tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng trong đại dịch vừa qua.

Triển lãm trưng bày tại khuôn viên bệnh viện những bức ảnh ghi lại thời khắc khốc liệt trong đại dịch dưới ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp Pier Laurenza, cũng là một bệnh nhân Covid-19 tại FV. Sau khi được tiêm vaccine mũi thứ 2, Pier Laurenza đã đề nghị được ở lại trong bệnh viện, âm thầm ghi lại thời khắc chưa từng có trong lịch sử gần 20 năm hình thành và phát triển của FV và cũng là mảnh ghép tư liệu trong bức tranh dịch bệnh của Việt Nam và toàn cầu.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV- Kỳ 2: Nơi mỗi ngày là một cuộc chiến

Zalo
Facebook messenger