Tin tức

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV - Kỳ cuối: Những khoảnh khắc khó quên

Với đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện FV, những ngày tháng khốc liệt nhất của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 năm 2021 sẽ mãi không thể phai nhòa.

Cùng nhìn lại những hình ảnh ấn tượng về cuộc chiến đó, để trân trọng hơn sự cống hiến của những con người quả cảm này.

Cuối tháng 6/2021, khối bệnh viện tư vẫn chưa được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19, song như thường lệ, cổng cấp cứu FV vẫn mở và bệnh nhân ùn ùn kéo tới. Dòng người chen chân từ cửa bệnh viện đến khoa Cấp cứu, thậm chí ngồi khắp hành lang, dài ra đến tận bãi giữ xe, dưới các dãy lều dựng tạm vì tình trạng bệnh viện quá tải.

Khoa cấp cứu Bệnh viện FV luôn trong tình trạng quá tải trong những ngày tháng 6-7/2021. 

Đến đầu tháng 7/2021, Ban Giám đốc Bệnh viện FV đã quyết định “tách đôi” bệnh viện để có thể vừa điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa tiếp nhận bệnh nhân thông thường và các bà mẹ sinh con (không bị nhiễm Covid-19). Khoa điều trị Covid-19 của FV nhanh chóng được thành lập, do bác sĩ Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim Mạch – xung phong đảm nhiệm trọng trách trưởng khoa.

Dr Ho Minh Tuan - Head of COVID-19 department was discussing about a case

Từ vị trí Trưởng khoa Tim Mạch, bác sĩ Hồ Minh Tuấn (bên trái) xung phong kiêm nhiệm vai trò Trưởng khoa Điều trị Covid-19. 

Khoa Điều trị Covid-19 ban đầu chỉ có 4 phòng, sau nhanh chóng tăng đến gần 100 giường bệnh. Nhưng bệnh viện cứ mở thêm phòng nào là kín phòng đó. Quyết định khó khăn nhất của lực lượng áo trắng lúc đó, chính là lựa chọn cứu người nào trước. Không ít lần, các bác sĩ chứng kiến bệnh nhân đã tử vong trên xe cấp cứu trong khi chờ được thăm khám.

Bệnh nhân điều trị Covid-19 tại khu lều dựng tạm. 

Tại phòng săn sóc đặc biệt (ICU), không khí căng thẳng càng tăng lên gấp bội, bởi quyết định của các bác sĩ liên quan trực tiếp đến sự sống còn của bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang – Nguyên Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện FV – cho biết, rất nhiều tình huống, họ cũng không biết nên đưa bệnh nhân nào vào phòng ICU để cứu họ trước. Đối với những người làm công tác cứu người, đó là nỗi ám ảnh không thể quên sau cuộc chiến này.

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Điều trị Covid-19.

Trong thời gian ngắn, FV đã đầu tư rất lớn cả về nhân lực và tài chính, ráo riết thu mua thiết bị, tiến hành thi công cả ngày lẫn đêm, suốt 24/7 để đáp ứng nhu cầu cứu chữa bệnh nhân Covid-19. Động lực thúc đẩy đội ngũ y bác sĩ cũng như toàn thể nhân viên FV thời điểm đó, chính là thông điệp: “Cố gắng để không phải từ chối bất cứ bệnh nhân nào” từ Tổng giám đốc – bác sĩ Jean-Marcel Guillon.

Bệnh viện FV dồn mọi nguồn lực để trang bị cơ sở vật chất, đáp ứng cho việc cứu chữa bệnh nhân. 

Ban lãnh đạo bệnh viện huy động nhân lực từ nhiều bộ phận khác nhau cũng như động viên, kêu gọi các bác sĩ ở các khoa tự nguyện tham gia vào công tác điều trị tại khoa Điều trị Covid-19 của FV. Họ vừa làm vừa cập nhật lượng kiến thức rất lớn, thực hành theo những hướng dẫn quốc tế của Anh, Mỹ, EU và Bộ Y tế Việt Nam.

Nhân sự của Khoa Điều trị Covid-19 được huy động từ nhiều khoa khác nhau trong bệnh viện.

Thấu hiểu bệnh nhân nằm lại FV trong thời điểm này đều không có người thân bên cạnh, đội ngũ bác sĩ cũng như điều dưỡng, hộ lý sẵn sàng làm thêm giờ, rút ngắn giấc ngủ của mình để ở cạnh bệnh nhân. Vượt qua tất cả – nỗi sợ hãi, gánh nặng tâm lý và sự quá tải – trăn trở lớn nhất của những con người quả cảm trong thời điểm ấy, chính là “lỡ như bệnh nhân có chuyện gì trong lúc mình đang ngủ”.

Đội ngũ nhân viên y tế FV luôn sẵn sàng túc trực bên bệnh nhân, bất kể ngày đêm.

Dù quá tải và thiếu ngủ trầm trọng, nhưng mỗi ngày, lực lượng điều dưỡng vẫn dành khung thời gian nhất định giúp bệnh nhân gọi video call cho gia đình. Điều này không những giúp thân nhân của họ yên tâm hơn về người thân của mình, mà còn là liều thuốc tinh thần mang đến nguồn động viên mạnh mẽ cho bệnh nhân.

Một bệnh nhân Covid-19 được y tá giúp liên lạc với người nhà qua video call.

Đến những ngày cuối tháng 8/2021, những kỳ tích đã dần xuất hiện. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi, mang nhiều bệnh nền đến với FV trong tình trạng nhiễm Covid-19 nặng và người nhà đã không còn hy vọng. Nhưng với tinh thần không bỏ cuộc của đội ngũ y bác sĩ, họ đã vượt qua một cách ngoạn mục. Nụ cười của bệnh nhân ngày xuất viện chính là nguồn động viên và tiếp thêm niềm tin cho lực lượng tuyến đầu của FV về một ngày chiến thắng đại dịch.

Niềm hạnh phúc của con gái khi chứng kiến mẹ 80 tuổi mắc Covid-19 thể nặng đã hồi phục sau 20 ngày chiến đấu với bệnh tật.

Theo lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam và Sở Y tế TPHCM, Bệnh viện FV đã cùng tham gia chiến dịch tiêm chủng cộng đồng nhằm đẩy lùi dịch bệnh, góp phần nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tổng chiến dịch, FV đã thực hiện hơn 100.000 mũi tiêm cho cộng đồng.

Đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện FV tham gia chiến dịch tiêm chủng cộng đồng. 

Đội ngũ nhân viên y tế sau ngày tiêm vaccine trong cộng đồng, trở về nhà bằng xe cứu thương.

Những con số ấn tượng phần nào nói lên nỗ lực của các bác sĩ và nhân viên y tế tại Bệnh viện FV trong cuộc chiến chống Covid-19. 

Nhiếp ảnh gia người Pháp – Pier Laurenza. 

Vào những ngày cuối tháng 7/2021, khi đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, Pier Laurenza – nhiếp ảnh gia người Pháp – đã đề nghị FV cho mình được vào ở trong bệnh viện để âm thầm ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của đội ngũ FV. Anh cũng là tác giả của gần 100 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm ảnh “Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV”.

Câu nói của bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng giám đốc FV. 

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, Tổng giám đốc FV – bác sĩ Jean-Marcel Guillon – ghi nhận những cống hiến và tận tâm của đội ngũ y bác sĩ trong 2 năm đầy sóng gió trước đại dịch Covid-19. Ông khẳng định những bản lĩnh, kinh nghiệm đã trải qua và sự đồng lòng vượt thử thách chính là tiền đề giúp FV vững vàng và lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Từ ngày 8/12/2022, Bệnh viện FV tổ chức triển lãm ảnh “Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV”, nhằm tôn vinh những cống hiến của đội ngũ FV đã cùng nhau vượt qua khó khăn và đưa bệnh viện FV vững vàng đi qua đại dịch với tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng trong đại dịch vừa qua. Triển lãm trưng bày tại khuôn viên bệnh viện những bức ảnh ghi lại thời khắc khốc liệt trong đại dịch dưới ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp Pier Laurenza, cũng là một bệnh nhân Covid-19 tại FV. Đây là thời khắc chưa từng có trong lịch sử gần 20 năm hình thành và phát triển của FV và cũng là mảnh ghép tư liệu trong bức tranh dịch bệnh của Việt Nam, cũng như toàn cầu.

Zalo
Facebook messenger