Tin tức

Điều trị Tràn Dịch Màng Phổi Tái Phát cho Bệnh nhân ung thư

Theo các bác sĩ ung bướu, thì có khoảng một nửa số bệnh nhân ung thư sẽ bị tràn dịch màng phổi ác tính, trong số đó có khoảng hơn 50% sẽ bị tràn dịch tái phát nhiều lần, đặc biệt ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Tràn dịch xảy ra khi tế bào ung thư phát triển trong khoang màng phổi hoặc khoang màng ngoài tim, màng bụng. Đây là một dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan rộng, hoặc di căn, đến các khu vực khác của cơ thể. Các nguyên nhân thường gặp của tràn dịch màng phổi là u lymphoma, ung thư vú, phổi, cổ tử cung và buồng trứng. Tràn dịch màng phổi tái phát nhiều lần có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân hoặc đe doạ hệ hô hấp của người bệnh như gây suy hô hấp, khó thở, đau thắt ngực,… dịch cũng tái phát nhanh và việc chọc màng phổi để hút dịch nhiều lần cũng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: chảy máu, tràn khí màng phổi, nhiễm trùng,…

Để chẩn đoán tràn dịch màng phổi, ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán như: X-quang ngực, Chụp cắt lớp vi tính, Siêu âm hoặc Chọc dịch.

Tràn dịch màng phổi cần được điều trị đúng và kịp thời sẽ không gây nguy hiểm tính mạng và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư. Nguyên tắc chung của phương pháp này là loại bỏ dịch màng phổi (chọc hút bằng kim dưới huớng dẫn siêu âm hoặc dẫn lưu ngoại khoa dịch màng phổi…) và tránh tái phát dịch màng phổi (làm dính khoang màng phổi bằng thuốc qua ống thông hoặc bằng phẫu thuật nội soi ngực). Phương pháp chọc dịch màng phổi đơn thuần có ưu điểm dễ thực hiện, không đau và bệnh nhân có thời gian lưu lại bệnh viện ngắn, tuy nhiên nó cũng đi kèm những bất lợi: biến chứng tràn khí màng phổi, tràn dịch tái phát phải chọc lại nhiều lần.

Tại khoa Phẫu thuật Lồng ngực – Mạch máu Bệnh viện FV, bác sĩ Lương Ngọc Trung đã áp dụng phương pháp đặt dẫn lưu và làm dính màng phổi bằng thuốc để ngăn chặn tình trạng tái tạo dịch màng phổi. Kĩ thuật này được thực hiện dưới tê tại chỗ, vết rạch nhỏ < 1cm trên thành ngực để đưa một ống dẫn lưu khoảng 16-18F (5-6 mm) vào khoang màng phổi bị tràn dịch, thủ thuật được thực hiện trong khoảng 15 phút. Dịch màng phổi sẽ được dẫn lưu từ từ và hoàn toàn, phổi được làm nở, sau đó bác sĩ sẽ bơm một trong các loại thuốc (bột talc, bléomycine…) để làm dính và xóa bỏ khoang màng phổi. Dịch màng phổi được theo dõi hằng ngày đến khi còn < 100 ml thì ống dẫn lưu sẽ được rút bỏ. Người bệnh lưu viện trung bình 5-7 ngày hoặc có thể về nhà theo dõi tùy điều kiện bệnh lý.

Ưu điểm của phương pháp này là kĩ thuật đơn giản, ít xâm lấn và hiệu quả lâu dài giúp người bệnh không phải lui tới bệnh viện để chọc hút dịch thường xuyên. Dù chỉ là một phương pháp bổ trợ trong điều trị ung thư, nhưng quá trình này rất hiệu quả trong việc cải thiện chức năng hô hấp giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên cũng có khoảng 30% người bệnh không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần với kĩ thuật nói trên. Trong trường hợp này, người bệnh đòi hỏi phải thực hiện phẫu thuật dính màng phổi qua nội soi ngực với hổ trợ của máy nội soi (VATS).

FV là bệnh viện đa chuyên khoa với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, với trang thiết bị được đầu tư hiện đại và đồng bộ giữa các chuyên khoa. Các mạch bệnh điều trị tại FV đều được hội chẩn và hợp tác điều trị giữa các chuyên khoa, dưới sự giám sát của Hội đồng Cố vấn Y khoa Bệnh viện FV. Mục đích là đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất, giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí. Đơn cử như bệnh nhân ung thư sẽ được hội chẩn và hợp tác điều trị giữa các Chuyên khoa và/ hoặc Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng và khoa quản lý Đau khi cần thiết can thiệp các phương pháp kiểm soát đau do ung thư và nâng đỡ tinh thần người bệnh.

Zalo
Facebook messenger