Tin tức

Hơn 40 Y Bác sĩ Việt Nam phối hợp cứu sống một Sản phụ Campuchia bị chảy máu không ngừng vì bệnh hiếm gặp

Một sản phụ người Campuchia được đưa sang Việt Nam cấp cứu tại bệnh viện FV trong tình trạng chảy máu không ngừng sau ca sinh mổ từ quê nhà, tính mạng nguy cấp.

Nhờ phát hiện ra nguyên nhân chảy máu của sản phụ là do một loại bệnh cực kỳ hiếm gặp ở người trưởng thành, ê kip hơn 40 y bác sĩ FV đã nỗ lực trong hơn 1 tháng trời để cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ Tuấn cùng ekip khẩn trương đưa bệnh nhân vào phòng

Sản phụ nguy kịch vì máu chảy ồ ạt không ngừng sau sinh

Ngày đưa vợ (chị Chhun Setina, 36 tuổi) vào bệnh viện tại quê nhà Campuchia sinh con lần 3, anh Muth Sothya (38 tuổi) không nghĩ vợ anh sẽ phải trải qua một biến cố nghiêm trọng như vậy. Sau khi vợ sinh (mổ), anh Sothya nhận tin từ bác sĩ rằng vợ anh bị sốt và vết mổ chảy máu không ngừng.

Nghi ngờ vết mổ gây băng huyết, ngày 18/10, các bác sĩ tiến hành mổ để xử lý. Do không cầm được máu, các bác sĩ đã phải cắt bỏ tử cung của chị Setina. Tuy vậy, máu vẫn tiếp tục chảy. Ngày hôm sau các các sĩ mổ lại lần nữa, song nỗ lực cầm máu lần 2 bất thành.

Anh Sothya đứng không vững khi bác sĩ cho biết không có cách nào cầm máu được cho vợ anh. Các bệnh viện tại quê nhà không thể điều trị cho chị. Trong cơn tuyệt vọng, anh nhờ cậy các bác sĩ tìm mọi cách để cứu vợ mình.

Các bác sĩ giúp anh liên lạc với một số bệnh viện lớn tại Việt Nam nhưng chưa có tín hiệu tiếp nhận. Cuối cùng, thông qua văn phòng đại diện của Bệnh viện FV tại Phnom Penh, vợ anh được Bệnh viện FV tiếp nhận. Vì máu vẫn tiếp tục chảy, các bác sĩ Campuchia đã dùng 2 miếng gạc lớn (chừng 20 cm) nhét vào bụng bệnh nhân để cầm máu, khâu vết mổ lại rồi tức tốc chuyển chị sang Việt Nam, nhập viện vào FV. Trong lúc đó, tại FV, ban lãnh đạo cùng ekip bác sĩ đã họp khẩn để lên phương án chuẩn bị cho ca bệnh “lành ít dữ nhiều” với nỗ lực bằng mọi giá phải “giữ người mẹ lại cho 3 đứa trẻ”.

Nỗ lực cầm máu của Ekip phẫu thuật

Chị Setina được nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện FV vào đêm 21/10 và được ekip của bác sĩ Lê Đức Tuấn tiếp nhận điều trị. Phim chụp cho thấy rõ hai miếng gạc lớn trong ổ bụng bệnh nhân. Bác sĩ Tuấn chỉ định mổ gấp để lấy hai miếng gạc ra, bởi nếu để lâu nguy cơ nhiễm trùng ổ bụng rất cao. Khi rút gạc ra, khoang bụng bệnh nhân có tới 2 lít máu. Theo bệnh án, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 32 đơn vị máu khi ở Campuchia.

Là một bác sĩ dạn dày kinh nghiệm, nhưng trước hình ảnh một sản phụ còn quá trẻ với chiếc bụng chằng chịt vết thương sau nhiều cuộc mổ, bác sĩ Tuấn không khỏi xót xa. “Bác sĩ phẫu thuật phải là người có trái tim sư tử, song có những ca mổ vẫn thấy trái tim nhói đau”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Tiếp theo, các bác sĩ FV phát hiện tổn thương động mạch thượng vị dưới bên trái của chị chưa được xử lý tốt, nên tiến hành cầm máu thật kỹ càng cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật không có bất cứ sai sót nào. Song chưa kịp vui mừng, ekip mổ phát hiện máu vẫn rỉ rả chảy tiếp.

FV tổ chức nhiều cuộc hội chẩn liên chuyên khoa trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Setina

Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa được tổ chức khẩn trương để tìm hiểu nguyên nhân vì sao máu chảy không ngừng. Ổ bụng của bệnh nhân mổ đi mổ lại, được đốt tia laser để cầm máu và khâu lại nhiều lần tạo nên một khối bùi nhùi, rất khó tiếp cận vùng chảy máu. Các bác sĩ quyết định chuyển sang phương án can thiệp mạch, nhằm làm tắc các nhánh tổn thương của động mạch thượng vị dưới ở vùng bụng bệnh nhân để ngăn chảy máu.

Ca can thiệp tắc mạch được thực hiện bởi bác sĩ Pierre Jaillot – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện FV. Khi tiếp cận động mạch quay bên tay trái, bác sĩ Pierre gặp khó khăn trong việc tìm đường mạch can thiệp

Ngay lúc đó, bác sĩ Lương Ngọc Trung – Trưởng khoa Phẫu thuật Mạch máu & Lồng ngực, người túc trực sẵn để hỗ trợ ca mổ đã được mời tham gia ca can thiệp mạch. Tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ Trung nhận thấy động mạch quay, động mạch cánh tay bị co thắt rất nhỏ do bệnh nhân được dùng thuốc co mạch liều cao để nâng huyết áp lên sau các lần phẫu thuật. Bác sĩ Trung tìm cách can thiệp mạch thông qua đường từ hõm nách để đi xuống khu vực bụng của bệnh nhân. Cách tiếp cận này được ekip phẫu thuật đánh giá cao, nhờ đó ca can thiệp thắt nút mạch tiến hành suôn sẻ.

Bệnh rối loạn đông máu hiếm gặp và cuộc săn lùng 4 lọ thuốc hiếm

Tuy vậy 12 giờ sau, máu tiếp tục chảy. Bệnh nhân tiếp tục được truyền máu và các chế phẩm của máu, ban đầu 200ml, rồi đến 700ml và theo phác đồ truyên máu khối lượng lớn… Lượng máu truyền ngày một nhiều, song, truyền vào cơ thể sản phụ bao nhiêu thì dường như bị chảy ra bấy nhiêu.

Suốt hơn 30 giờ điều trị nội khoa nhưng bệnh nhân vẫn chảy máu không ngừng. Bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang – Khoa Gây mê hồi sức nghi ngờ đến khả năng bệnh nhân bị Hemophilia – một căn bệnh rối loạn đông máu gây chảy máu khó cầm. Điều lạ là nếu bệnh nhân nữ mắc bệnh này chỉ cần tới kỳ kinh đầu tiên là có thể đã bị tử vong do chảy máu không ngừng và dẫn đến tử vong, trong khi bệnh nhân này đã sinh con lần thứ ba.

Ekip mời bác sĩ Phạm Mạnh Tuấn – chuyên gia huyết học của Bệnh viện FV cùng hội chẩn. Bác sĩ Tuấn cũng nghi ngờ có thể bệnh nhân bị rối loạn đông máu theo một hướng rất khác nên đã chỉ định một số xét nghiệm chuyên biệt về huyết học, kỹ lưỡng và chi tiết hơn để xác định chẩn đoán.

Kết quả xét nghiệm cho thấy “yếu tố VIII” trong máu của bệnh nhân rất thấp, đồng thời xuất hiện chất ức chế của “yếu tố VIII”. Kết quả này cho thấy đó là chứng Hemophilia mắc phải (Acquired Homophilia). Hemophilia là một bệnh lý có tính chất di truyền, gặp chủ yếu ở Nam giới. Trong khi đó Hemophilia mắc phải có tỷ lệ hiếm hơn, khoảng 1 ca/1000 dân mỗi năm và thường gặp trên bệnh nhân lớn tuổi với các bệnh nền có sẵn như ung thưm mỡ máu… Trong trường hợp này, bệnh nhân là nữ và trẻ tuổi nên khả năng mắc phải rất hiếm.” Ở sản phụ này, Hemophilia mắc phải có thể quá trình thai sản là một yếu tố nguy cơ, nhưng vẫn cần sàng lọc các nguyên nhân khác ”, bác sĩ Phạm Mạnh Tuấn giải thích.

Để điều trị, bác sĩ cho rằng cần sử dụng tính chất bắc cầu thông qua một yếu tố khác là “yếu tố VII”. Tuy nhiên khó khăn là “Yếu tố VII” rất đắt và hiếm, chỉ có một số ít bệnh viện có thuốc dự phòng.

Lập tức, ekip điều trị cho bệnh nhân Setina đã phối hợp cùng với đội ngũ khoa Dược FV liên hệ với tất cả bệnh viện trong thành phố, nhanh chóng tìm được 4 đơn vị “yếu tố VII” để truyền vào cơ thể cho bệnh nhân.

Các bác sĩ tại phòng ICU cho biết, sau khi được tiêm 4 lọ “yếu tố VII” nhỏ xíu, tất cả các hiện tượng chảy máu của bệnh nhân lập tức ngưng lại.

Bác sĩ Tuấn thăm khám và thay băng cho bệnh nhân

Huy động mọi nguồn lực của bệnh viện để giành giật sự sống cho bệnh nhân

Tuy nhiên, việc điều trị của bệnh nhân vẫn chưa dừng lại ở đó. Do mổ đi mổ lại nhiều lần nên bệnh nhân bị suy kiệt, sốc nhiễm trùng nặng và tổn thương các cơ quan nội tạng (viêm phổi, nấm đường tiết niệu, các cơn nhược giáp và những cơn hen), sốt kéo dài âm ỉ trong vòng 3 tuần liền.

“Vì bị sốc nhiễm trùng nên bệnh nhân cần được dùng thuốc kháng sinh liều cao, thuốc trợ tim, thuốc vận mạch để tăng huyết áp lên. Gần như khắp người bệnh nhân gắn đầy bơm tiêm để bơm thuốc vận mạch cùng các thuốc nâng đỡ cơ thể”, bác sĩ Giang cho biết. Các cuộc hội chẩn sau đó tập trung vào việc điều trị nhiễm trùng và dinh dưỡng để tăng cường đề kháng cho bệnh nhân. Từng ngày trôi qua, tình hình bệnh nhân tiến triển tốt dần lên trong niềm vui mừng của toàn bộ ekip.

Khi được hỏi, điều gì khiến FV và ekip của bác sĩ tự tin tiếp nhận ca bệnh nguy kịch với rất nhiều rủi ro này, TS.BS Đỗ Trọng Khanh – Giám đốc y khoa Bệnh viện FV trả lời: “Khi nhận được điện thoại từ đồng nghiệp nước bạn về yêu cầu điều trị cho bệnh nhân, dù thực sự chưa thể khẳng định có cứu được bệnh nhân hay không, nhưng tôi vẫn thay mặt Ban giám đốc quyết định tiếp nhận. Với khả năng chuyên môn của đội ngũ bác sĩ và trang thiết bị sẵn có, tôi tin rằng FV có thể làm được những ca phức tạp như vậy, vì FV có thể huy động được hết tất cả các nguồn lực để cứu bệnh nhân”.

FV từng tiếp nhận các ca bệnh rất nặng và phức tạp, tuy nhiên, ca này được bác sĩ Khanh đánh giá là phức tạp hơn.  “Bệnh nhân có ba con nhỏ, một bé vừa được chào đời; nếu chẳng may bệnh nhân không qua khỏi thì 3 đứa bé đó thành trẻ mồ côi mẹ. Đây cũng là yếu tố mang tính thúc đẩy để đội ngũ FV quyết tâm khi tiếp nhận bệnh nhân”.

Sự phối hợp đa chuyên khoa tại FV tạo ra nguồn lực giá trị trong việc điều trị các ca bệnh phức tạp

Trong suốt một tháng, tổng cộng hơn 40 y bác sĩ đã tham gia vào điều trị cho bệnh nhân Sentina. Nhiều buổi hội chẩn liên chuyên khoa, trực tiếp và online giữa các bác sĩ và ban lãnh đạo đã được tổ chức để theo dõi sát sao từng tiến triển của bệnh nhân. Các bác sĩ trải qua những giờ phút căng thẳng và nhiều đêm mất ngủ.

“Tại FV, sức mạnh đa chuyên khoa vô cùng quan trọng. Nhờ sự phối hợp nhanh chóng của nhiều chuyên khoa trong bệnh viện, chúng tôi có thể cứu được bệnh nhân trong những tình huống rất khẩn cấp và hiểm nghèo như vậy!” bác sĩ Lê Đức Tuấn chia sẻ thêm.

“Tại Việt Nam, tôi như được sinh ra một lần nữa!”

Anh Muth Sothya cảm ơn bác sĩ Tuấn và ekip bệnh viện FV đã cứu sống vợ mình

Ngày 23/11, bác sĩ Tuấn thăm khám cho bệnh nhân, sức khỏe của chị Setina đã hồi phục rất tốt để chị có thể xuất viện vào ngày hôm sau.

Anh Muth Sothya nắm chặt tay bác sĩ Tuấn, với niềm cảm kích vô bờ khi vợ mình – mẹ của ba đứa con nhỏ của anh được sống và trở về nhà cùng nhau. Trong những ngày qua, gia đình hai bên cũng như anh, nín thở theo dõi cuộc chạy đua với thời gian của các bác sĩ FV giành lại sự sống cho vợ anh. Anh hiểu rằng việc mình trao trọn niềm tin vào các bác sĩ Việt Nam là một quyết định đúng đắn.

Được biết tin mình khỏi bệnh và sẽ về nhà sớm, chị Setina cười rạng rỡ rồi nghẹn ngào nói: “Cảm ơn bác sĩ Tuấn và các y bác sĩ của FV đã cứu sống tôi. Tại Việt Nam, tôi như được sinh ra một lần nữa!”.

Zalo
Facebook messenger