Hội nghị khoa học Gây mê Hồi sức toàn quốc năm 2023 đã diễn ra trong 03 ngày, 23 – 25/11/2023 tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tham dự hội nghị, đại diện từ Bệnh viện FV gồm BS.CKI Nguyễn Nam Bình và BS. Phạm Hoàng Mạnh đã có 2 bài báo cáo thu hút nhiều chú ý.
Hội nghị khoa học Gây mê Hồi sức toàn quốc năm 2023 đã diễn ra thành công trong 03 ngày, 23 – 25/11/2023 tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Trung tâm Điều trị Đau FV với những bước đi tiên phong
Sự kiện khoa học này do Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam (Tổng Hội Y học Việt Nam) tổ chức, với sự tham gia của gần 1000 khách gồm các giáo sư, bác sĩ, các chuyên gia đang hoạt động trong gây mê hồi sức, điều trị đau tại Việt Nam và quốc tế. Hội nghị báo cáo các các chuyên đề xoay quanh nội dung: gây mê, hồi sức và kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê sản phụ khoa và nhi, gây tê vùng và giảm đau, gây mê tim mạch.
Tham gia báo cáo tại hội nghị, BS.CKI Nguyễn Nam Bình (Trung tâm Điều trị Đau – Bệnh viện FV) đã trình bày nội dung: “Thiết lập phòng khám trung tâm điều trị đau dựa trên hướng dẫn của Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế IASP”. Bài báo cáo đã thu hút nhiều thảo luận từ phía cử tọa, do tính thời sự của vấn đề trong y khoa Việt Nam. Những bước đi tiên phong và hiệu quả của FV được trình bày, cũng tác động tích cực đến người nghe, đặc biệt là các cơ sở y tế đang thiết lập đơn vị điều trị đau.
BS.CKI Nguyễn Nam Bình (Trung tâm Điều trị Đau – Bệnh viện FV) đã trình bày về “Thiết lập phòng khám trung tâm điều trị đau dựa trên hướng dẫn của Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế IASP”
Bài báo cáo tập trung làm rõ cách xây dựng đội ngũ nhân sự, tiếp cận kỹ thuật, các cách thức đầu tư vào chuyên môn và làm thế nào để đánh giá, đo lường hiệu quả điều trị người bệnh, hiệu quả của việc thành lập và vận hành một đơn vị điều trị đau. Qua đó, BS. Nam Bình đã lấy Trung tâm Điều trị Đau FV làm dẫn chứng thiết thực cho phần trình bày của mình. Theo khung phân loại của Hiệp hội Nghiên cứu Đau Quốc tế (IASP), hoạt động điều trị đau tại FV đã đáp ứng cấp độ 3 (khung 4 cấp độ) và có thể xem là nổi bật tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Bác sĩ Nam Bình chia sẻ: “Để hiện thực hóa một trung tâm điều trị đau theo chuẩn IASP, không chỉ cần đầu tư về thời gian học hỏi từ các mô hình quốc tế, mà quan trọng là cần sự đồng thuận trong điều trị từ chính nội bộ bệnh viện”. FV đã khẳng định là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực điều trị đau, cũng xuất phát từ sự hậu thuẫn từ bệnh viện và sự đồng thuận trong cách tiếp cận lĩnh vực đau của các chuyên khoa khác.
Trung tâm Điều trị Đau của FV vận hành theo hướng đa mô thức, nghĩa là có sự tham gia của nhiều chuyên khoa như ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình, thần kinh, tâm lý lâm sàng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng,… kết hợp cùng Trung tâm để quản lý đau trên cùng ca bệnh.
Tiệm cận thế giới trong quản lý và điều Trị đau tại FV
Cũng tại hội nghị lần này, bác sĩ Phạm Hoàng Mạnh (Trung tâm Điều trị Đau – Bệnh viện FV) cũng đã gây chú ý với bài báo cáo về “Điều trị đau can thiệp” (interventional pain management). Bài báo cáo không chỉ làm rõ về chuyên ngành còn rất mới này tại Việt Nam, mà còn trình bày nhiều bước tiến, các mô hình điều trị đau can thiệp hiện đại tại Châu Âu, qua đó cho thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trong nước.
Bác sĩ Phạm Hoàng Mạnh (Trung tâm Điều trị Đau – Bệnh viện FV) gây chú ý với bài báo cáo về “Điều trị đau can thiệp” (Interventional pain management)
Điều trị đau can thiệp là phương pháp xâm lấn tối thiểu, mang lại hiệu quả giảm đau cao, lâu dài cho bệnh nhân. Phương pháp này là bước điều trị tiếp nối giữa nội khoa và ngoại khoa, được ứng dụng khi việc điều trị đau bằng nội khoa thất bại, nhưng việc phẫu thuật để chữa trị thì chưa tới mức cần thiết. “Cơ hội phát triển chuyên ngành này tại Việt Nam khá lớn, có thể mang nhiều lợi ích cho người bệnh, đồng thời cũng rất tương thích với xu hướng y khoa thế giới”, bác sĩ Mạnh chia sẻ.
Hiện nay Trung tâm Điều trị Đau tại FV đã ứng dụng nhiều tiến bộ trong điều trị để tiệm cận với thế giới, như tiêm thấm ngoài màng cứng, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), hủy thần kinh khớp liên đốt cột sống, thần kinh liên sườn bằng sóng cao tần (RFA) dưới C-arm,… Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đầu tư thiết bị hiện đại như hệ thống kích thích từ xuyên sọ rTMS-rPMS, máy chẩn đoán đau thần kinh sợi nhỏ Q-Sense, hệ thống thiết bị bơm PCA trong chăm sóc giảm nhẹ,… tất cả tạo thành một hệ thống điều trị đau toàn diện từ cấp tính đến mạn tính, cũng như hỗ trợ cho bệnh nhân tại đa chuyên khoa.
Trong bối cảnh lĩnh vực điều trị đau tại Việt Nam chưa có hướng phát triển rõ ràng, dưới nỗ lực của Trưởng Trung tâm Điều trị Đau – bác sĩ Louis Brasseur và đội ngũ Bệnh viện FV đã đặt ra những mục tiêu và hướng đi nhất quán. Không chỉ liên kết và học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, đội ngũ Trung tâm đã chủ động nâng cao chất lượng điều trị thông qua các hoạt động đào tạo nội bộ, các buổi CME, các buổi đối thoại chuyên môn trực tiếp với các chuyên khoa khác, nhằm định hình chung cho toàn bệnh viện về quy trình điều trị và xử lý vấn đề đau cho người bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều năm gần đây, nhân sự của Trung tâm cũng tích cực hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực điều trị đau tại Việt Nam, thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề và liên tục tham gia các hoạt động học thuật tại nhiều nơi, điển hình như Hội nghị khoa học lần này. Ngoài ra, việc sẵn sàng tiếp nhận thực tập sinh hay nhân sự các đơn vị bạn đến tham quan, học hỏi tại FV cũng được các bác sĩ tại Trung tâm Điều trị Đau đẩy mạnh và hỗ trợ hết mình.
BS CKI Nguyễn Nam Bình và BS Phạm Hoàng Mạnh chụp hình lưu niệm cùng các chuyên gia khác tại hội nghị
Những chia sẻ tại Hội nghị Khoa học Gây mê Hồi sức Toàn Quốc 2023 của Bệnh viện FV, cho thấy những bước tiến đáng kể và tiềm năng của lĩnh vực điều trị đau tại Việt Nam. Qua đó sẽ tiếp thêm động lực, để FV tiếp tục mang lại cho bệnh nhân những giải pháp hiệu quả và tối ưu nhất trong việc quản lý và điều trị đau, góp phần tạo nên một cuộc sống chất lượng hơn.