Sau hai lần tiếp nhận điều trị bệnh ung thư không hiệu quả, sức khỏe và tinh thần của ông H.G.T (69 tuổi, TP.HCM) sa sút sau các đợt hoá trị, liên tục phải đi cấp cứu truyền máu. Trong lần cấp cứu tại Bệnh viện FV, các bác sĩ xác định ông bị bướu mô đệm đường tiêu hóa (GIST). Sau hai năm dùng thuốc nhắm trúng đích, ông T may mắn đã trở lại cuộc sống bình thường.
Gia đình ông T. vui mừng vì nhờ tìm đúng bệnh, điều trị đúng, ông T. như được “cải tử hoàn sinh”.
Ông T. đã ổn định sức khỏe sau 2 năm điều trị ung thư tại Bệnh viện FV
Suýt mất mạng vì 2 lần tìm chưa đúng bệnh
Tháng 5.2021, đi khám sức khỏe tại một bệnh viện tư, ông H.G.T bàng hoàng khi nhận kết quả bị ung thư tuyến tiền liệt. Được điều trị bằng phương pháp hóa trị một thời gian, cơ thể ông bị suy kiệt nghiêm trọng.
Gia đình đưa ông T. đi khám ở một bệnh viện khác, lần này bác sĩ kết luận ông bị ung thư tuyến thượng thận, đã di căn gan. Ông được chỉ định hóa trị, tuy nhiên một lần nữa cơ thể không đáp ứng thuốc, thể trạng suy kiệt, mất máu nhiều. Do bị thiếu máu kéo dài, ông thường xuyên phải cấp cứu truyền máu.
Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện FV
Tháng 8.2022, bệnh tình của ông T. trở nặng. Gia đình đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện FV, với hy vọng mong manh.
Từ kết quả thăm khám, bác sĩ Võ Kim Điền, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng nhận thấy bệnh nhân bị thiếu máu nặng: chỉ số máu ở người bình thường là 12,5-17,5, còn ở bệnh nhân này chỉ 7-8, có lúc chỉ còn 5-6. Nghi ngờ ông bị chảy máu đường tiêu hóa, bác sĩ chỉ định chụp phim và nội soi đường tiêu hóa để có đánh giá chính xác hơn.
“Kết quả phim chụp cho thấy tuyến tiền liệt của bệnh nhân bình thường. Song nhìn vào phim chụp, tôi phát hiện đoạn cuối thực quản có tổn thương khá điển hình của bướu mô đệm đường tiêu hóa GIST (Gastrointestinal Stromal Tumors) tới 90mm. Ung thư đã di căn gan, khối di căn tới 120mm”, bác sĩ Điền cho hay.
Ngoài ra, ông T. còn bị xuất huyết niêm mạc dạ dày và suy thận mạn – đây cũng là nguyên nhân gây thiếu máu, cũng là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân phải thường xuyên đi cấp cứu.
Ống tiêu hóa hình dạng như một ống cơ, lớp ngoằn ngoèo ở bề mặt trong cùng gọi là lớp niêm mạc, bên dưới là lớp dưới niêm mạc, các vòng ở ngoài là cơ. Theo bác sĩ Điền, phần lớn các ung thư đường tiêu hóa xuất phát từ tế bào nằm ở lớp niêm mạc, trong khi đó bướu mô đệm GIST lại xuất hiện ở lớp dưới niêm mạc hoặc từ những lớp cơ, cho nên việc chẩn đoán thường khó khăn và dẫn đến điều trị không đúng bệnh.
Thuốc nhắm trúng đích: thu nhỏ bướu GIST, không cần phẫu thuật
Với kinh nghiệm điều trị bướu GIST, bác sĩ Võ Kim Điền phân tích, nếu ung thư chưa di căn thì có chỉ định mổ, còn trường hợp của ông T. do đã di căn rồi thì không mổ được nữa mà sẽ được dùng thuốc điều trị đích.
“Thuốc điều trị đích tác động vào các tế bào bướu có tính chất chọn lọc, nghĩa là tấn công những tế bào bướu, ít gây ảnh hưởng lên tế bào lành. Loại thuốc này không mới nhưng cho đến hiện tại vẫn là lựa chọn tối ưu cho điều trị bướu mô đệm đường tiêu hóa”, bác sĩ Điền giải thích thêm.
Bác sĩ Điền tái khám cho bệnh nhân
Bắt đầu từ tháng 8.2022, ông T. được dùng thuốc điều trị đích mỗi ngày và tái khám định kỳ. Tình hình sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện dần, cho thấy cơ thể đáp ứng điều trị tốt. Ông cũng được bác sĩ nội thận theo dõi để điều chỉnh vấn đề suy thận mạn. Sau 2 năm, kết quả phim chụp cho thấy khối u thực quản 90mm chỉ còn 15mm, khối u gan 120mm thu lại còn 49mm. Bệnh nhân tiếp tục được sử dụng thuốc để khống chế khối bướu.
Đến tái khám tại FV, ông T. phấn khởi cho biết sức khỏe của mình đã khá hơn rất nhiều. Chị H.T.P.T – con gái của bệnh nhân bộc bạch: “Ở các nơi trước do tìm chưa đúng bệnh nên điều trị càng khiến cơ thể của cha tôi suy yếu. FV chẩn đoán đúng bệnh, điều trị tốt. Cha tôi lúc nhập viện trong tình trạng cấp cứu, không thể đi lại được nay có thể tự sinh hoạt bình thường, đúng là như được “cải tử hoàn sinh” vậy!”
Những dấu hiệu giúp phát hiện mắc bướu mô đệm đường tiêu hóa
Theo thống kê hằng năm tại Mỹ, có 4.000-6.000 ca bướu mô đệm đường tiêu hóa, 60% ở bao tử, khoảng 30% ở ruột non. Bướu mô đệm ở thực quản như trường hợp ông T. rất hiếm, chỉ chiếm 0,7%.
Hình minh họa bướu GIST, loại bướu xuất hiện ở đường tiêu hóa
Bướu mô đệm đường tiêu hóa phát triển thầm lặng, chỉ khi khối bướu lớn, bệnh nhân mới có triệu chứng nuốt nghẹn. Nếu bướu ở ngay lớp niêm mạc, chứng nghẹn có thể xuất hiện sớm hơn, còn nếu nằm bên dưới niêm mạc thì triệu chứng sẽ xuất hiện trễ.
“Nếu phát hiện sớm, tổn thương còn khu trú tại chỗ thì cơ hội sống trên 5 năm lên đến 93%. Khi tổn thương đã lan ra các cơ quan khác khác, tỉ lệ sống trên 5 năm là 55%”, bác sĩ Điền cho hay. Bác sĩ cũng khuyên người dân khi có những triệu chứng nuốt nghẹn, buồn nôn và ói mửa, suy nhược cơ thể, thiếu máu kéo dài không rõ nguyên nhân, xuất huyết… thì nên đi khám.
Để điều trị bướu mô đệm đường tiêu hóa hay các bệnh ung thư khác, bạn đọc có thể liên hệ Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV qua số điện thoại (028) 54 11 33 33.