Tin tức

Thạc sĩ Hồ Minh Tuấn: Gia nhập FV vì không cần đắn đo khi cứu người!

Ấn tượng đầu tiên về Thạc sĩ – Bác sĩ Hồ Minh Tuấn, trưởng khoa Tim Mạch bệnh viện FV có lẽ là sự thẳng thắn. Không từ chối bất cứ câu hỏi nào, kể cả những câu hỏi có phần nhạy cảm và luôn chọn cách trả lời đơn giản, bình thường nhất, buổi phỏng vấn tưởng chừng khô khan về y tế lại mở ra thêm những góc nhìn mới mẻ và thú vị về anh cũng như nghề nghiệp anh lựa chọn.

Ước mơ mặc áo blouse trắng cứu người từ nhỏ

Không dùng chữ “lý tưởng” để nói về quyết định lựa chọn nghề Y, bác sĩ Hồ Minh Tuấn chỉ cười xòa: “Lý tưởng thì nghe xa xôi quá. Thật sự thì lúc tôi chọn thi ngành Y, lý do chỉ là vì thấy thích thôi. Lúc đó mới là cậu học sinh cấp 3, chưa thể nghĩ gì lớn lao hết cả. Nhưng từ khi còn nhỏ, tới bệnh viện thăm người bệnh, tôi đã muốn được mặc chiếc áo blouse, chữa trị cho mọi người. Có thể, đó cũng là một dấu hiệu cho thấy mình phù hợp với nghề bác sĩ”.

Còn một lý do nữa, nhưng chỉ tới khi câu chuyện cởi mở hơn, bác sĩ Tuấn mới chia sẻ thêm: Anh từng là dân “trường chuyên lớp chọn” từ khi học tiểu học. Là học sinh chuyên toán suốt từ lớp 3 cho tới khi đỗ đại học Y Dược Huế với điểm số rất cao (trung bình 9 điểm), gia đình cũng nhận ra năng lực của con và ủng hộ anh trong lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Sự chuẩn xác, tư duy nhạy bén cũng như tính kỷ luật của “dân học toán” lâu năm không chỉ góp phần giúp bác sĩ Hồ Minh Tuấn bước vào sự nghiệp Y học một cách dễ dàng, mà còn theo anh trong hơn 20 năm chữa bệnh, cứu người. Ngay cả khi say sưa nói về các quy trình khám chữa bệnh tại FV, thói quen tính toán chuẩn xác tới từng ly vẫn được anh đưa vào câu chuyện của mình.

Bác sĩ Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim Mạch, Bệnh viện FV.
Bác sĩ Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim Mạch, Bệnh viện FV.

“Trong nghề của tôi, có một khái niệm tạm gọi là “giờ vàng”, tức là thời gian tốt nhất để cứu chữa người mắc bệnh tim mạch. Nói một cách dễ hiểu thì từ lúc người bệnh đặt chân tới cổng viện cho tới khi việc cứu chữa hoàn thành, quy chuẩn của quốc tế là 90 phút. Nhưng tại bệnh viện tôi đang làm (bệnh viện FV – pv), quy trình được rút ngắn lại chỉ còn tối đa 70 phút thôi. Tức là rút gọn được 1/3 thời gian vàng để cứu chữa bệnh nhân. Đó là nhờ FV đạt chuẩn JCI và hội tụ đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm và máy móc hiện đại.

Đừng nghĩ 20 phút là ngắn, bởi với bệnh lý tim mạch, phải dùng từ “phút vàng, giây vàng” mới là chính xác. Mỗi phút tranh thủ được sớm cũng đồng nghĩa với việc tính mạng, sức khoẻ và khả năng phục hồi của người bệnh tăng lên. Với những người có bệnh lý tim mạch, người nhà càng nên ghi nhớ điều này. Khi có dấu hiệu khó thở, tức ngực hay nặng hơn là ngưng tim, đột quỵ, hãy đưa tới bệnh viện gần nhất, tuyệt đối không tự ý xử trí, cho uống thuốc theo kinh nghiệm.

Hơn 20 năm làm nghề, tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp đáng tiếc vô cùng. Thời gian nhập viện quá trễ, ngay cả khi có cứu được tính mạng thì chức năng tim, sức khoẻ cũng không thể bình thường được. Chưa kể những di chứng nặng nề hoàn toàn có thể xảy ra bởi người ta bỏ qua mất giờ vàng để cứu chữa rồi”.

Đầu quân về FV vì chính sách có một không hai

Từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các bệnh viện lớn như bác sĩ điều trị cấp cao tại Khoa Tim Mạch, Viện Tim, Tp.HCM, Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Tim Tâm Đức và mới đây, bác sĩ Hồ Minh Tuấn chính thức “đầu quân” cho FV trên cương vị trưởng khoa Tim Mạch. Đánh liều hỏi anh một câu hỏi nhạy cảm liên quan tới lý do chuyển sang FV làm việc, bác sĩ Hồ Minh Tuấn vẫn thoải mái chia sẻ: “Có nhiều lý do lắm, nhưng lý do đầu tiên thuyết phục tôi là cơ sở vật chất, máy móc của bệnh viện rất tốt. Với người làm nghề Y như tôi, thì sức hấp dẫn của trang thiết bị, cơ sở vật chất lớn lắm. Vì càng hiện đại, tân tiến, cũng đồng nghĩa với việc khả năng cứu được người bệnh sẽ cao hơn.

Bác sĩ Tuấn cho biết: “Với người làm nghề Y như tôi, thì sức hấp dẫn của trang thiết bị, cơ sở vật chất lớn lắm”.
Bác sĩ Tuấn cho biết: “Với người làm nghề Y như tôi, thì sức hấp dẫn của trang thiết bị, cơ sở vật chất lớn lắm”.

Còn lý do thứ 2 thì lại là một điều rất bất ngờ. Nó liên quan tới cơ chế, chính sách của bệnh viện. Không phải cho y bác sĩ, mà là cho người bệnh. “Thú thật, tôi từng công tác tại cả trong và ngoài nước, cả những quốc gia có nền y tế phát triển như Nhật, Malaysia cũng chưa từng thấy “quy định” này tồn tại: Cứu chữa cho người bệnh trước, chi phí tính sau. Vẫn biết điều này khá nhạy cảm, nhưng đó là một thực tế đang tồn tại: Một ca cấp cứu tim mạch, chi phí có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Khoản tiền đó lớn lắm, nhất là khi nhân với nhiều người bệnh. Bài toán “chi phí” ấy luôn rất khó có lời giải, ở cả quốc tế chứ không nói tới Việt Nam”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Anh tâm sự: “Tới thời điểm này, cũng chỉ có lãnh đạo bệnh viện FV “đi trước” ở quyết định “cứu người trước hết”, một quyết định mà theo tôi là hết sức tuyệt vời. Không chỉ cho người bệnh đâu, mà là cho chính những bác sĩ như chúng tôi. Làm nghề y, có ai không muốn cứu người, nhất là những bệnh nhân tim mạch ngay trước mắt mình? Không có gì áp lực bằng nhìn “giờ vàng” của người bệnh trôi đi trước sự bất lực của mình. Khi những rào cản được gỡ bỏ, thực sự tâm lý cũng như tinh thần của những người làm bác sĩ như tôi nhẹ nhàng hơn nhiều lắm”.

Nói về những áp lực nghề nghiệp, bác sĩ Hồ Minh Tuấn chỉ cười: “Làm nhiều thành quen thôi. Như tôi chẳng hạn, hơn 20 năm làm nghề, tôi đã hình thành thói quen bất cứ lúc nào có bệnh nhân, trong vòng 30 phút tôi sẽ có mặt tại bệnh viện. Bất kể nửa đêm, mưa gió hay lễ Tết cũng vậy. Bởi đó cũng là một phần của quy trình cứu chữa người bệnh tại FV rồi.

Trong thời gian 30 phút di chuyển tới bệnh viện, các công tác xét nghiệm, chuẩn bị đã được tiến hành. Tới khi tôi có mặt, mọi thứ cần thiết để phẫu thuật, đặt stent đã sẵn sàng. Nhờ quy trình này, thời gian cứu chữa bệnh nhân sẽ được rút gọn tối đa và cơ hội sống khoẻ mạnh sẽ lớn hơn nhiều.”

Những ấp ủ tương lai của vị tân trưởng khoa tim mạch nhiều tâm huyết

Giọng của bác sĩ Hồ Minh Tuấn thoáng trầm xuống khi nói về con số bệnh nhân tử vong vì các bệnh lý tim mạch. “Đúng là bệnh tim mạch chiếm tới hơn 30% nguyên nhân gây tử vong, không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới cũng vậy. Một phần do sự nguy hiểm của nó, phần vì hiểu biết của mọi người về căn bệnh này thực sự chưa đầy đủ. Tôi chỉ muốn nhắn gửi ngắn gọn rằng: Trong số rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch, chúng ta có tự thể hạn chế được rất nhiều. Bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia, có một chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục đều đặn… tất cả những điều đó đều có thể góp phần giảm thiểu khả năng mắc bệnh rồi. Đừng nghĩ tim mạch là bệnh của người già, tự tay tôi đã cứu chữa những bệnh nhân chỉ 24 tuổi. Mạch máu của bạn bị tắc nghẽn, mà lý do 1 phần tới từ việc hút thuốc quá nhiều”.

Đáng tiếc hơn nữa là nhiều người chưa có thói quen đưa người bệnh tới ngay bệnh viện khi có triệu chứng. Rất nhiều trường hợp chỉ đưa tới bệnh viện khi đã quá nặng, thậm chí ngưng tim ngoại viện (tim ngừng đập trước khi đưa tới bệnh viện). Những trường hợp như thế, bác sĩ chỉ có cách làm hết sức mình và trông đợi thêm vào cả một chút may mắn nữa.

Bác sĩ Hồ Minh Tuấn cùng êkip đang thực hiện thủ thuật tại Phòng Can thiệp Tim Mạch (Cardiac Cathlab)
Bác sĩ Hồ Minh Tuấn cùng êkip đang thực hiện thủ thuật tại Phòng Can thiệp Tim Mạch (Cardiac Cathlab)

Trong suốt thời gian hành nghề y, bác sĩ Tuấn từng trực tiếp tham gia vào những cuộc “hồi sinh” ngoạn mục như thế. Tim đã ngừng đập và nói theo cách của dân gian là đã “mất rồi”, nhưng khi được cấp cứu lại sống sót một cách kì diệu. “Thực sự thì những trường hợp cứu sống người bệnh theo cách hi hữu như thế, tôi luôn vô cùng hạnh phúc. Cảm giác mình đã góp phần cứu sống cuộc đời của con người có lẽ là điều hạnh phúc nhất tôi có trong nghề!”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

20 năm theo nghề Y, bác sĩ Hồ Minh Tuấn đã trực tiếp chữa trị cho không ít hơn 3.000 người bệnh. Con số bệnh nhân đã ngưng tim được “hồi sinh” bởi bác sĩ Tuấn và đồng nghiệp cũng lên tới cả chục người. Ngoài công việc tại bệnh viện, bác sĩ Hồ Minh Tuấn còn là một “nhà báo y khoa” giàu kinh nghiệm. Hàng chục bài báo về lĩnh vực tim mạch đã được anh viết và đăng tải trên các tạp chí chuyên môn, với mục đích “chia sẻ những điều tôi biết tới mọi người. Tôi cũng đọc và học hỏi được rất nhiều từ đồng nghiệp, người đi trước và trách nhiệm của tôi là làm điều tương tự”.

Từng cứu sống vô số bệnh nhân, nhưng bác sĩ Hồ Minh Tuấn lại rất kiệm lời khi nói về mình. Điều khiến anh hào hứng nhất khi nói chuyện chỉ là về những tiến bộ của y học Việt Nam, những ưu điểm của bệnh viện nơi anh đang làm việc, bởi những điều đó góp phần đem lại nhiều hơn những hi vọng cho người mắc bệnh tim.

Nói về năng lực chữa trị của Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch, bác sĩ Tuấn khẳng định: “90% những gì y tế thế giới làm được trong lĩnh vực tim mạch, Việt Nam chúng ta cũng có thể. Đặc biệt là tại FV, với hệ thống máy móc, công nghệ tiên tiến nhất, có nhiều mảng chúng ta còn vượt chuẩn thế giới, ví dụ như “giờ vàng” điều trị cho bệnh nhân tim mạch chẳng hạn. Tôi thực sự kì vọng rằng với sự tiến bộ của y học cùng sự nâng cao nhận thức của người dân, những con số tử vong vì bệnh tim mạch sẽ không còn đáng sợ như hiện tại”.

Chia sẻ về những dự định đang ấp ủ, bác sĩ Tuấn cho biết: “Tại FV, nhiều kỹ thuật tiên tiến nhất đang được áp dụng. Can thiệp nội mạch đối với các bệnh cấu trúc tim chẳng hạn. Thay vì mổ hở, FV sử dụng kỹ thuật nội soi, giảm thiểu tối đa những nguy cơ mang lại”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh. Theo anh, kỹ thuật này chỉ mới bắt đầu ở một số ít bệnh viện lớn trong vài năm nay và anh đang triển khai tại FV, mục tiêu là đạt đến ngưỡng thuần thục để mang lại nhiều ích lợi hơn cho người bệnh”.

Bác sĩ Hồ Minh Tuấn từng tốt nghiệp đại học Y Dược Huế, có học vị Thạc sĩ Nội khoa, từng được đào tạo nâng cao về tim mạch can thiệp tại Viện Jantung Negara, Malaysia và Bệnh Viện Saiseikai Yokohama, Nhật Bản. Anh từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như bác sĩ điều trị cấp cao tại Viện Tim Tp.HCM, trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Tim Tâm Đức. Từ năm 2021, thạc sĩ – bác sĩ Hồ Minh Tuấn chính thức làm việc tại bệnh viện FV trên cương vị Trưởng khoa Tim Mạch.

Để đặt hẹn cùng bác sĩ Hồ Minh Tuấn, vui lòng liên hệ:

Khoa Tim Mạch, Bệnh viện FV: Số 6 Nguyễn Lương Bằng, P. Tân Phú, Quận 7, TP.HCM

Hotline: (028) 5411 3467 – 028 5411 3333

Website: https://www.fvhospital.com/


Zalo
Facebook messenger