“Người chọn nghề” là câu nói gói trọn lý tưởng của ThS.BS Nguyễn Thị Diệu Huyền – Trưởng khoa Nhi và Nhi Sơ sinh, Bệnh viện FV – khi lựa chọn sát cánh cùng các “chiến binh nhí”.
Nép mình khiêm tốn ở cửa ra vào khu lầu trại khoa Nhi là chiếc bảng nhỏ đính đầy những bức thư tay nắn nót của bệnh nhi và người thân. Dẫu mộc mạc và đơn sơ, với ThS.BS Nguyễn Thị Diệu Huyền, đây chính là “kho báu” được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhi và Nhi Sơ sinh chắt chiu mỗi ngày. Những lời nhắn gửi chân thành cũng là liều thuốc tinh thần giúp vị trưởng khoa nỗ lực không mệt mỏi trên hành trình cứu sống hàng nghìn bệnh nhi.
Đầu quân cho Bệnh viện FV vì liều thuốc hiếm
“Quay ngược lại 3 thập kỷ trước, cô sinh viên y khoa Nguyễn Thị Diệu Huyền ắt hẳn chưa từng nghĩ bản thân sẽ dành cả thanh xuân để sát cánh cùng các ‘chiến binh tí hon’ trên giường bệnh”, vị trưởng khoa Nhi và Nhi Sơ sinh hóm hỉnh mở đầu câu chuyện.
Với bác sĩ Huyền, nghề nào cũng có những câu chuyện đặc biệt, nhưng nghề y càng đặc biệt hơn khi liên quan đến sự sống con người. Cũng vì lẽ này mà từ tấm bé, được thấm đẫm tinh thần yêu nghề của người cha làm điều dưỡng, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Huyền đã quyết tâm khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.
Yêu nghề y nhưng thời điểm đó, nữ bác sĩ trẻ chưa từng nghĩ bản thân sẽ gắn bó lâu dài với lĩnh vực cụ thể nào. Bước ngoặt lớn diễn ra năm 1994, khi bác sĩ Huyền được tuyển chọn tham dự khóa đào tạo 13 tháng trong vai trò bác sĩ nội trú nhi khoa tại Bệnh viện Jean Verdier, Pháp.
Đây là chương trình mang tính lịch sử trong thời điểm các chính sách mở cửa của Chính phủ Việt Nam mới khởi động lại, đồng thời chưa có tiền lệ trong lĩnh vực y khoa về đào tạo, tuyển chọn bác sĩ nhi khoa nội trú tại bệnh viện nước ngoài.
Chuyến đi đã mở ra trước mắt chị chân trời mới, thôi thúc bác sĩ Huyền không ngừng cố gắng thẩm thấu các kỹ thuật mới của nền y khoa tiên tiến, nuôi ước mơ về một ngày được tự tay cứu sống những bệnh nhi người Việt.
Trở về nước sau khóa đào tạo, bác sĩ Huyền trở thành một trong những “hạt nhân” quan trọng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM. Trong vai trò bác sĩ thường trú, việc hoàn thành chương trình thực hành tại khoa Hồi sức, Săn sóc Tích cực Nhi và Sơ sinh tại Bệnh viện Robert Debré, Pháp vào năm 1999 trở thành tiền đề để chị hoàn thiện chuyên môn, sẵn sàng đảm trách vai trò Phó khoa Hồi sức, Săn sóc Tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ năm 2000.
“Thời điểm mới bắt đầu đảm trách công việc, các kỹ thuật, mô hình tôi học được ở Pháp không phải lúc nào cũng có thể áp dụng tại Việt Nam, phần lớn do hạn chế về kỹ thuật, thuốc men và thiết bị. Trong đó, kỹ thuật nuôi trẻ sinh non tháng, đặc biệt là trẻ cực non tại Việt Nam lúc đó chưa tốt như bây giờ”, bác sĩ tâm sự.
Chạy vạy hỏi thăm nhiều nơi nhưng không tìm được nguồn thuốc, tôi rất thất vọng. Đánh liều gọi sang khoa Nhi, Bệnh viện FV, lời thỉnh cầu của tôi đã được hồi đáp.
ThS.BS Nguyễn Thị Diệu Huyền – Trưởng khoa Nhi và Nhi Sơ sinh, Bệnh viện FV.
Đã mấy thập kỷ trôi qua, nhưng bác sĩ vẫn bồi hồi khi nhớ lại hành trình cứu sống những “chiến binh tí hon”, trong thời điểm y khoa Việt Nam còn thiếu thốn.
In hằn trong ký ức của chị là câu chuyện về một em bé sinh non 27 tuần với cân nặng vỏn vẹn hơn 1 kg. Bằng kinh nghiệm của một bác sĩ sơ sinh được đào tạo chuyên sâu tại Pháp, chị biết con đường để níu giữ sự sinh tồn cho em bé là bơm chất surfactant vào phổi, giúp phổi chưa trưởng thành giãn nở tốt hơn. Liều thuốc này có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện tình trạng suy hô hấp, cũng như giảm thiểu biến chứng có thể xảy ra sau đó. Nhưng, “biết kiếm đâu ra liều thuốc quý khi Việt Nam lúc đó chưa phổ biến kỹ thuật này?”.
“Chạy vạy hỏi thăm nhiều nơi nhưng không tìm được nguồn thuốc, tôi rất thất vọng. Thế rồi, tôi đánh liều gọi sang khoa Nhi, Bệnh viện FV, và lời thỉnh cầu đã được hồi đáp. Một liều thuốc đắt đỏ lập tức được gửi đến trong ngày hôm đó, cứu sống kịp thời sinh mệnh của đứa trẻ non tháng đang thoi thóp trên giường bệnh. Thậm chí, Bệnh viện FV còn ngỏ lời đề nghị cử người sang thực hiện kỹ thuật bơm thuốc vào phổi cho bé, nhưng khi biết tôi có thể làm được, họ đã tin tưởng và gửi thuốc”, bác sĩ Huyền kể.
Câu chuyện liều thuốc quý tưởng chừng khép lại ở đó và bản thân bác sĩ Huyền cũng chưa từng nghĩ đây là duyên khởi cho bước ngoặt mới trong sự nghiệp của mình, cho đến năm 2005, khi chị được mời về làm việc tại khoa Nhi và Nhi Sơ sinh, Bệnh viện FV.
“Nhận được lời mời, tôi khá ngạc nhiên. Dành thời gian đến tham quan và tìm hiểu bệnh viện, tôi rất ấn tượng khi cơ sở vật chất, trang thiết bị của FV hoàn toàn tương đồng với những đơn vị y tế mà tôi thực tập ở Pháp, trong đó khoa sản và khoa nhi ‘chung nhà’, rất lý tưởng để thực hiện phối hợp chăm sóc liên tục cho mẹ và bé trước, trong và sau sinh. Đây còn là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam có xe vận chuyển trẻ sinh non với lồng ấp kèm máy thở. Lúc ấy, trong tôi trào lên khao khát được tiếp cận và triển khai các kỹ thuật mới tại FV – nơi sở hữu nền tảng vững vàng về hạ tầng lẫn nhân lực. Tôi lựa chọn sát cánh cùng Bệnh viện FV cũng vì thế”, bác sĩ nhớ lại.
Nỗ lực vun trồng những ước mơ từng ấp ủ tại FV
Trước khi về đầu quân cho FV, ThS.BS Nguyễn Thị Diệu Huyền mang trong mình rất nhiều trăn trở về việc áp dụng kỹ thuật mới, những phác đồ điều trị và mô hình hoạt động y tế tiên tiến đã được tiếp thu trong thời gian học tập ở nước bạn. Một trong số đó có “Well child check-up” – mô hình được áp dụng thường quy tại các cơ sở y tế ở nước ngoài.
“Khi nghe tôi trình bày về Well child check-up – mô hình theo dõi sức khỏe toàn diện cho trẻ em khi đến khám tại bệnh viện, ban giám đốc và trưởng khoa tiền nhiệm đều đồng tình và đưa vào áp dụng. Ưu thế của mô hình này là trẻ – được xem là khỏe mạnh – không chỉ đến để chủng ngừa, mà còn được kiểm tra toàn diện về sức khỏe thể chất, tinh thần, sự phát triển tâm sinh lý theo lứa tuổi… Nhờ đó, bác sĩ có thể phát hiện sớm vấn đề về sức khỏe hoặc tâm lý như tăng động, tự kỷ, trầm cảm… và đưa ra hướng xử trí sớm. Tính đến nay, FV là một trong những đơn vị tiên phong triển khai mô hình này, được bệnh nhi và phụ huynh tin tưởng lựa chọn thăm khám”, bác sĩ hào hứng.
Với mục tiêu trở thành một trong những chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện FV, ngay từ khi thành lập, khoa Nhi và Nhi Sơ sinh được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Với sự hợp tác của các chuyên gia, nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến trên thế giới đã được áp dụng tại FV. Trong đó, bệnh viện là địa chỉ tin cậy tại khu vực miền Nam Việt Nam nhận điều trị bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non tháng (ROP) giai đoạn nặng, cần làm phẫu thuật cắt bỏ dịch kính toàn phần để cứu vãn thị lực.
“Bên cạnh thiết bị máy móc hiện đại, chúng tôi có đội ngũ chuyên gia giỏi cùng ê-kíp gây mê tuyệt vời, có thể thực hiện phẫu thuật trên những trẻ rất nhẹ cân, dưới 1,5 kg. Trước mỗi ca phẫu thuật dự kiến có nguy cơ cao, các bác sĩ liên chuyên khoa sẽ hội chẩn, lên kế hoạch chuẩn bị và điều trị trước, trong, sau mổ. Nhờ đó, tỷ lệ thành công của các ca bệnh luôn được đảm bảo”, bác sĩ nói thêm.
Dẫn chứng cụ thể, bác sĩ cho biết Bệnh viện FV vừa thực hiện thành công ca mổ cho bệnh nhi sinh non 26 tuần bị bong võng mạc. Vì thở máy liên tục 2,5 tháng trong giai đoạn điều trị ở bệnh viện tỉnh, bé gặp tình trạng xơ phổi.
“Ngày xuất viện, em bé – trước phẫu thuật vẫn lệ thuộc vào bình khí oxy liên tục 24/24, đã có thể tạm thời cai oxy. Chúng tôi cảm thấy rất vui khi quyết định đúng. Bằng bất cứ giá nào cũng phải phẫu thuật để giữ lại thị lực cho con”, bác sĩ nói thêm.
Dẫn chúng tôi đi thăm phòng hồi sức sơ sinh NICU, bác sĩ Huyền tâm sự việc chăm sóc trẻ sơ sinh đã khó, với trẻ sinh non lại càng vất vả bởi đề kháng kém, dễ kèm theo nhiều bệnh lý. Do đó, FV đặt ra quy chuẩn chăm sóc đặc biệt dành cho các “chiến binh tí hon” tại NICU.
Phòng NICU được trang bị đầy đủ máy móc thế hệ mới như máy thở, máy theo dõi trẻ liên tục, máy bơm tiêm tự động, máy truyền dịch thế hệ mới và cả hệ thống lồng ấp, lồng kính, đèn chiếu điều trị vàng da… Không chỉ sở hữu thiết bị hiện đại bậc nhất, NICU được bố trí đội ngũ nhân viên y tế giỏi chuyên môn, sát sao theo dõi tình trạng của trẻ từng phút.
Với hệ thống máy móc hiện đại cùng ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên sâu, áp dụng thường quy các kỹ thuật tiên tiến… FV có thể điều trị các ca sinh non mắc nhiều bệnh lý, cần chăm sóc đặc biệt và phối hợp nhiều chuyên khoa.
Bên cạnh thành công về chuyên môn, nhiều năm qua, FV đã tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhi đến từ các quốc gia có nền y tế phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Thụy Sỹ, Australia, Canada… FV có đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, đồng thời sở hữu hệ thống thông dịch viên y khoa nhiều kinh nghiệm với các ngôn ngữ “hiếm” như Nga, Nhật… Vì ít rào cản ngôn ngữ, tỷ lệ bệnh nhi ngoại quốc điều trị tại FV chiếm đến 30%.
“Người truyền lửa” yêu nghề y, thương trẻ nhỏ
Hai thập kỷ gắn bó với FV cũng là ngần ấy thời gian ThS.BS Nguyễn Thị Diệu Huyền viết nên những câu chuyện đầy cảm xúc về một “thiên thần áo trắng” yêu nghề, mến trẻ. Nhìn lại chặng đường đã qua, vị trưởng khoa ít khi nhớ đến những trăn trở với nghề, mà chất đầy trong tâm trí là những kỷ niệm đẹp.
Một trong những “tài sản” quý giá của người làm nghề chữa bệnh cứu người như chị là từng lá thư, bài thơ, lời cảm ơn mà bệnh nhân và người nhà dành tặng.
“Một người thầy đã dạy tôi rằng: Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ . Chúng ta không thể áp dụng việc chăm sóc, điều trị cho người lớn với các con. Đặc thù của ngành này là nhiều bệnh nhi không biết tự khai bệnh, do đó bác sĩ phải thao tác tỉ mỉ trên cơ thể nhỏ bé, cần sự kiên nhẫn. Bên cạnh đó, cần có tinh thần trách nhiệm, kỹ năng quan sát và sự thấu hiểu với cha mẹ và người nuôi dưỡng – những người đóng vai trò quan trọng trong việc khai bệnh”, bác sĩ nhấn mạnh.
Trong những buổi đào tạo nội bộ, bình bệnh án, vị trưởng khoa vẫn nhắc nhở các bác sĩ trẻ “đừng bao giờ nghi ngờ linh cảm của người làm mẹ”. Bởi đó chính là dấu hiệu đầu tiên để bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc cho trẻ.
Hết lòng vì con trẻ và không ngừng đưa ra các sáng kiến để nâng tầm khoa Nhi và Nhi Sơ sinh, bác sĩ Huyền được nhiều đồng nghiệp yêu mến, trân trọng tâm huyết cũng như nỗ lực của chị trong công việc.
Với chị Đoàn Thị Kim Ngân – Điều phối viên khoa Nhi và Nhi Sơ sinh, Bệnh viện FV, ThS.BS Nguyễn Thị Diệu Huyền là tấm gương sáng của lớp thế hệ bác sĩ trẻ tài năng tại bệnh viện, sẵn sàng “xông pha” khi gặp ca bệnh khó, chẳng ngại vất vả ngày đêm theo dõi sức khỏe của bệnh nhi.
Còn trong hàng ngũ điều dưỡng thâm niên, từng sát cánh cùng vị trưởng khoa để hoàn thành tốt những ca bệnh khó, chị Vũ Thị Lan Hương – Điều dưỡng trưởng khoa Nhi và Nhi Sơ sinh, Bệnh viện FV – cũng không giấu được sự mến yêu khi nhắc về người chị thân thiết.
“Bác sĩ luôn lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn của đội ngũ điều dưỡng để hỗ trợ kịp thời. Việc thiết lập bảng pha thuốc kháng sinh gồm dung dịch pha bao nhiêu, chảy trong thời gian bao lâu của trưởng khoa đã góp phần chuẩn hóa công việc của ê kíp điều dưỡng cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân”, chị Hương chia sẻ.
Tôi rất yên tâm khi khoa Nhi và Nhi Sơ sinh có lớp bác sĩ trẻ tài năng, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong tương lai.
ThS.BS Nguyễn Thị Diệu Huyền – Trưởng khoa Nhi và Nhi Sơ sinh, Bệnh viện FV.
Tận tụy, gắn bó với bệnh nhi là thế, bác sĩ Huyền lại rất kiệm lời khi nói về mình. Trái lại, khi nhắc đến thế hệ kế nhiệm mà bản thân hết lòng bồi dưỡng, đôi mắt bác sĩ ánh lên sự tự hào.
“Tôi rất yên tâm khi khoa Nhi và Nhi Sơ sinh có lớp bác sĩ trẻ tài năng, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong tương lai. Hai trong nhiều bác sĩ thế hệ kế thừa vừa hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học chuyên khoa 2, chuyên ngành sơ sinh. Tôi cũng thường xuyên triển khai các buổi học nâng cao nghiệp vụ nội bộ cho bác sĩ và điều dưỡng, đảm bảo trau dồi kiến thức mới cũng như áp dụng các kỹ thuật tiên tiến”, bác sĩ nói thêm.
Hơn 3 thập kỷ cống hiến cho y học, từ khi mái tóc còn xanh đến lúc lấm tấm bạc, từ khi còn là cô sinh viên y khoa non nớt đến một vị trưởng khoa đầu ngành, ThS.BS Nguyễn Thị Diệu Huyền vẫn vẹn nguyên tình yêu thương dành cho những “chiến binh” nhỏ bé. Ở tuổi vốn nên dành nhiều thời gian vui vầy bên con cháu, vị trưởng khoa vẫn hăng say với nghề, với hành trình cứu sống bệnh nhi nơi cửa tử.
Ánh mắt lấp lánh, bác sĩ Huyền kết lại câu chuyện với chúng tôi bằng một ước mơ nhỏ nhoi: “Tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi tự tay đón các sinh linh bé bỏng đến với thế giới này, cảm nhận niềm vui làm mẹ của những người mẹ khác. Nhiệt huyết với nghề vẫn còn nhiều lắm, nhưng tôi đang chuẩn bị lùi về sau để đội ngũ kế thừa có cơ hội phát triển hơn nữa. Với tâm thế này, tôi vẫn sẽ làm hết chức phận của mình, dù ở bất cứ hoàn cảnh hay cương vị nào”.