Tin tức

Tôi đã bắt đầu dự án BỆNH VIỆN FV như thế đấy!

Trong cuộc sống ai cũng có những ước mơ và hoài bão. Đó là lẽ sống và cũng là động lực để mang đến thành công cho mỗi người. Tuy nhiên, thành công không có công thức chung và mỗi người phải chọn cho mình một lối đi để biến ước mơ đó trở thành hiện thực.

Câu chuyện của bác sĩ người Pháp Jean Marcel Guillon – CEO đồng thời là nhà sáng lập Bệnh viện FV trên hành trình xây dựng bệnh viện cũng như những bước đi, kế hoạch của ông để đưa FV trở thành bệnh viện đầu tiên tại Miền nam Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế JCI đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Bài phỏng vấn được thực hiện bởi tạp chí Asia Outlook, một tổ chức uy tín chuyên về các ấn phẩm in và trực tuyến cung cấp những thông tin nổi bật trên thế giới, bao gồm cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nội dung đến với độc giả thường được khai thác độc quyền và mang tính xác thực cao từ thực tế của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu.

Nhằm truyền tải đến Quý độc giả nội dung của bài báo một cách hoàn chỉnh nhất, Ban biên tập trang thông tin Bệnh viện FV đã mời được thông dịch viên độc quyền của bác sĩ Jean Marcel Guillon phiên dịch lại để Quý độc giả tiện theo dõi.

TÔI ĐÃ BẮT ĐẦU VỚI BỆNH VIỆN FV NHƯ THẾ ĐẤY!

Từ nhỏ tôi đã mơ ước làm bác sĩ, nghe kể lại rằng mới 5 – 6 tuổi thôi đi đâu, gặp ai tôi cũng khoe sau này lớn lên sẽ là bác sĩ. Lạ lùng là không một thành viên nào trong gia đình tôi làm nghề y. Như thế đó, tôi đã trở thành bác sĩ: học đại học y, thực hành nghề y, làm các nghiên cứu trên sách vở và trong hành nghề… để trở thành một bác sĩ thực sự trưởng thành có nhiều kinh nghiệm (senior doctor) chuyên về nội khoa và phổi, nhận được một lời hứa 1 – 2 năm sau sẽ trở thành trưởng khoa của một bệnh viện lớn ngoại ô Paris. Đó là năm 1992, một năm sau chiến tranh vùng vVịnh, rất nhiều các tổ chức quản trị bệnh viện của Mỹ rút khỏi vùng Vịnh, cơ hội cho một công ty Pháp có được một hợp đồng cung cấp bác sĩ cho một bệnh viện ở Saudi Arabia. Một người bạn làm việc ở công ty này liên lạc báo cho tôi biết họ đang cần một bác sĩ nội khoa Phổi với một mức lương cao gấp 5 lần thu nhập của tôi ở Paris, tôi quyết định không bỏ qua cơ hội này. Tháng 10 năm 1992, tôi đặt chân tới Saudi Arabia với vốn tiếng Anh nghèo nàn và không một trang bị gì cho cuộc sống ở một đất nước Đạo Hồi.

Suốt thời gian sống ở đó, tôi đã trau dồi tiếng Anh bằng cách hàng ngày lên thư viện đọc báo Arab, tự học ngữ pháp và từ vựng trong từ điển, yêu một cô gái người New Zealand, nói và học tiếng Anh từ cô ấy, và chơi rugby trên cát (ở Saudi Arabia chỉ có cát chứ không có cỏ). Tôi thích sống và làm việc ở nước ngoài tới mức tôi từ bỏ cơ hội làm trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở Paris. Hai năm sau, tôi chuyển sang Brunei, thưởng thức cuộc sống expats thêm hai năm nữa. Sau 4 năm xa xứ tôi quay trở về Paris, không còn một ham muốn tiếp tục hành nghề hay mở một phòng khám tư, chỉ muốn một cơ hội tham gia vào một dự án phát triển bệnh viện ở một nước đang phát triển nào đó. Tại sao?  Tôi cũng không biết nữa, có lẽ với tôi điều đó sẽ rất thú vị và đó cũng là một phần của y khoa.

Khi nghe chia sẻ, cô người yêu cũ nói với tôi rằng bạn thời thơ ấu của người yêu hiện tại của cô ấy là thành viên của một nhóm dự án do một kiến trúc sư thành lập đang có kế hoạch phát triển xây dựng một bệnh viện ở Việt Nam. Tôi được kết nối và gặp gỡ với anh kiến trúc sư cùng một vài đối tác của anh ấy nhưng tôi không thích họ. Hơn nữa tôi cũng không mấy ấn tượng với nhóm bác sĩ hợp tác với nhóm dự án này, họ chẳng có kinh nghiệm. Thế là tôi tiếp tục hành trình tìm kiếm cơ hội và gặp một “bác sĩ/doanh nhân” người đang muốn lập một công ty cung cấp bác sĩ SOS đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhận tôi vào làm việc. Tôi được cử đi công tác ở Czechoslovakia và Budapest cùng với một chuyên viên ngân hàng để tiến hành làm nghiên cứu dự án tiền khả thi. Thật không may, công ty này đã đóng cửa ngay sau khi vừa đi vào hoạt động, mô hình xây dựng một mạng lưới các bác sĩ gia đình không phù hợp ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, người dân ở đây không có thói quen tiếp bác sĩ gia đình ở nhà họ.

Thất nghiệp, tôi quyết định đi Cu Ba chơi một tháng. Quay về lại Paris vào cuối tháng 8 năm 1997 thì nhận được lời nhắn tự động trên điện thoại từ một bác sĩ liên quan đến dự án Việt Nam mà tôi đề cập đến ở trên đây, tôi gặp lại nhóm này, đổi ý và quyết định thử vận may. Hôm đấy là một Chủ Nhật trong tháng 9 năm 1997, chúng tôi tổ chức cuộc họp đầu tiên ở văn phòng của anh kiến trúc sư, khu Montreuil ngoại ô phía tây Paris, gồm tôi, anh kiến trúc sư, 2 đối tác được gọi là “chuyên viên phát triển dự án” cùng 6 bác sĩ nữa, đến cuối ngày chúng tôi thống nhất được kế hoạch thực hiện: xây dựng một bệnh viên hiện đại ở Sài Gòn, nơi mà chúng tôi cho rằng đối tượng có thu nhập trung bình khá đang bắt đầu ngày càng nhiều (thú thực vào thời điểm đó tôi còn chưa đặt chân đến Việt Nam), chú trọng vào chất lượng, mời khoảng 350 bác sĩ đến làm việc thay phiên nhau mỗi người 2 tuần một lần. Mỗi người trong chúng tôi sẽ đóng 25 ngàn đô la để được quyền tham gia vào dự án.

Tháng 11 năm 1997 lần đâu tiên tôi đặt chân tới Sài Gòn, cùng với 2 chuyên viên phát triển dự án và một vài bác sĩ. Các chuyên viên phát triển dự án tìm được một tòa nhà đang xây dựng dở dang và chúng tôi dự định mua lại tòa nhà phải nói là vô cùng xấu này. Trong vòng 18 tháng sau đó tôi bay đi, bay về Sài Gòn khoảng 6 đến 7 lần để nghiên cứu và phân tích tình hình hoạt động của ngành bệnh viện ở đây, viết dự án, cùng với chuyên viên phát triển dự án tham gia gặp gỡ với các cơ quan chức năng, họp với chủ đầu tư của tòa nhà, tìm kiếm và thương thảo với các nhà đầu tư tài chính. Thời gian giữa những chuyến đi, ở Paris tôi tham gia khóa học để hiểu về tài chính kế toán bệnh viện, để biết xây dựng hệ thống tài chính cho một dự án là như thế nào, nhờ một người bạn làm cho một công ty quản trị bệnh viện giải thích tường tận cho tôi biết cơ cấu của một bệnh viện qua từng phòng ban để tôi có thể liệt kê ra hết các trang thiết bị cần thiết cho một bệnh viện. Phải thú thật rằng hồi đó, khi bắt đầu dự án này tôi chưa một lần nào sử dụng máy tính, chưa bao giờ nghe đến hai từ Excel hay Word, gần như không có một kiến thức gì về tổ chức và sơ đồ quản lý bệnh viện, trong đầu tôi không mảy may có những khái niệm như quy trình mua hàng, tài chính, kế toán, bảo hiểm, luật khám chữa bệnh, xây dựng, vân vân và vân vân. Tôi bắt đầu mọi thứ từ con số không, làm hết mọi thứ, vậy nên tôi hay nhắc đi nhắc lại rằng tôi sử dụng “sponge technique”, có nghĩa rằng gặp ai biết nghề tôi cũng hỏi, cũng quan sát họ làm để hiểu, để biến chúng thành kiến thức của mình. Tôi nghĩ đoạn trường học làm bác sĩ, thực hiện các nghiên cứu và các nguyên tắc cơ bản của vi sinh học và miễn dịch học đã giúp tôi rất nhiều, nó khó và phức tạp hơn gấp nhiều lần so với tính toán tài chính.

Cứ thế cho đến đầu năm 1999, tôi tự tin nhận định được rằng các chuyên viên phát triển dự án mà tôi đang làm chung sẽ không bao giờ có thể phát triển được gì tại Việt Nam. Tôi chia sẻ suy nghĩ của tôi với nhóm bác sĩ của dự án, chi tiết hơn với Luc Mercadal là bác sĩ nhóm trưởng nhóm bác sĩ, đồng thời bàn bạc với anh luật sư tên Gilles Celimene, bạn của Mercadal, cũng là luật sư đang tư vấn miễn phí cho chúng tôi. Tôi nói rõ quan điểm tôi rằng các chuyên viên phát triển dự án không có năng lực chèo lái con thuyền. Không lâu sau thời điểm đó, nhóm dự án gặp phải hai khó khăn lớn: hết tiền, họ hỏi tôi – tôi?! – có tiền không cho họ mượn để tiếp tục dự án; nhưng nghiêm trọng hơn là chủ của tòa nhà đang xây dở dang mà chúng tôi theo đuổi hơn năm trời để mua lại, bỗng dưng bị bắt vào tù (họ xây dựng tòa nhà này không đúng với nội dung của giấy phép xây dựng cộng them với nhiều tội danh khác). Mỗi người bắt đầu đi một ngả.

Vào một buổi sáng Thứ Bảy tháng Sáu năm 1999, tôi và Mercadal gặp nhau tại một quán Cà Phê ở Paris, chúng tôi quyết định tiếp tục đi tiếp mà không có sự tham gia của chuyên viên phát triển. Cả hai chúng tôi cùng gặp luật sư Celimene trình bày với ông ấy rằng chúng tôi gồm 7 bác sĩ, vẫn muốn tiếp tục dự án phát triển bệnh viện ở Việt Nam nhưng không có tiền, rất cần tiền để di chuyển công tác, thuê luật sư ở Việt Nam, nghiên cứu tính khả thi, … và không biết cần chính xác bao nhiêu chỉ biết là cần một số tiền lớn. Ngoài sức tưởng tượng của tôi, Celimene đồng ý đầu tư! Sau đó, chúng tôi mời thêm 2 bác sĩ nữa để trở thành mười Sáng lập viên và cứ như vậy cho tới ngày hôm nay chúng tôi vẫn là đối tác của nhau cho dự án này.

Quay trở lại khoảng 7 – 8 tháng trước đó, tôi có gặp đại diện của IFC Việt Nam, ông Wolfgang Bertelsmeier. IFC là Quỹ Tài Chính thuộc Ngân hàng Thế Giới tài trợ để phát triển các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển, là một trong những ngân hàng lớn nhất, nếu không muốn nói là lớn nhất, thế giới. Wolfgang rất có cảm tình với tôi cho dù lần đầu tiên gặp gỡ câu trả lời duy nhất mà tôi có được cho hàng loạt câu phỏng vấn của ông là “không”: Anh có kế hoạch không? Anh đã bao giờ quản trị và điều hành một bệnh viện chưa? Anh có hiểu gì về Việt Nam không? Anh đã có một kế hoạch phát triển và kinh doanh chưa? … cùng nhiều câu hỏi khác nữa …. Wolfgang khuyên tôi nên bay qua Washington gặp gỡ với nhóm chuyên viên của IFC để tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến thất bại trong đầu tư vào lĩnh vực trường đại học và bệnh viện tư nhân. Vậy nên, đầu tháng 7 năm 1999 tôi đến Washington gặp gỡ với nhóm chuyên viên này, trình bày về dự án và lắng nghe nhiều lời khuyên từ họ. Vài năm sau đó, một vài người trong nhóm này chia sẻ với tôi rằng sau buổi họp, họ nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn gặp lại tôi lần nữa. Ở Washington trong chuyến đi này, tôi có được số điện thoại của một người khá quan trọng mà tôi không còn nhớ nổi tên ông ta nữa, là thành viên thượng nghị viện, ông ấy mời tôi tới Dinh thự riêng 3 tầng lầu trong khu Potomac dự tiệc ngày Độc lập 4-7. Bữa tiệc có khoảng 100 khách mời, tôi nhớ rõ bữa tiệc này bởi một tình tiết khá khôi hài: tôi hút Cigars Cuba và trò chuyện với một đại diện của Cuba đóng tại Washington trong khi ông thượng nghị sĩ lại người của Đảng Cộng hòa. Ông nghị sĩ cho tôi số điện thoại của một người tên Peter Ryder, quốc tịch Mỹ, rất thành công ở Việt Nam, mà là số điện thoại nhà riêng ở Long Island. Tôi gọi cho Peter khi quay về lại Paris, chuông điện thoại đổ khá lâu thì Peter mới nhấc máy trả lời. Sau này Peter kể lại rằng ổng đã ra khỏi nhà, khóa cửa, đang đón taxi ra sân bay bay về Việt Nam thì nghe thấy chuông điện thoại, vì một lý do nào đó, ông mở cửa vào nhà trả lời điện thoại – tôi đã liên lạc và nói chuyện được với Peter như vậy đó, cuộc nói chuyện diễn ra chóng vánh, chúng tôi hẹn gặp nhau ở Hà Nội khoảng tháng 8 hay tháng 9 gì đó.

Suốt 5 tháng sau đó, tôi dành thời gian để viết dự án, xây dựng mô hình và kế hoạch tài chính, soạn dự án tiền khả thi. Tôi gặp gỡ với Peter theo dự kiến, cuối cùng thì ông ta cũng chẳng có tiền để đầu tư, ngược lại Peter đề nghị tôi thuê ông ta làm tư vấn tài chính. Peter bắt đầu làm việc cho tôi. Ông giúp tôi khá nhiều trong việc soạn thảo các biên bản ghi nhớ. Tôi liên tục di chuyển giữa Việt Nam và Paris với số tiền vốn ít ỏi, Peter cố gắng mọi cách để tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng và muốn tôi gặp gỡ với họ nên buộc tôi phải đi, sang cả Malaysia, Philippines, …. nhưng kết quả chưa ký kết được gì. Đang trên đường trở về sau một trong những chuyến đi như vậy thì tôi nhận được điện thoại của Wolfgang mời tôi gặp gỡ với IFC. Hóa ra, cái nhóm chuyên viên IFC mà tôi từng gặp ở Washington đã thành công trong việc thuyết phục Hội Đồng Quản Trị IFC rằng ngoài việc tổ chức IFC theo các vùng địa lý: Châu Phi, Châu Á 1, Châu Á 2, Tây Âu, Nam Mỹ, phải có thêm một phòng chức năng chuyên phụ trách về Y tế và Giáo dục, cử 2 thành viên phụ trách đi các nước trên Thế giới để tìm kiếm các dự án đầu tư, điểm đến sắp tới là Sài Gòn. Wolfgang đã lên lịch hẹn cho tôi họp với họ. Về đến Paris là tôi vội vàng bay qua lại Sài Gòn, đúng lúc có đình công ở sân bay Roisy CDC, chuyến bay trễ, ở Singapore tôi kịp tìm được chuyến bay sớm nhất để bay về Sài Gòn cho kịp buổi họp, hành lý không kịp chuyển theo người nên tôi tới buổi họp quan trọng này trong trang phục quần jeans, giày chạy bộ và áo thun đã cũ sờn, may còn xách theo được máy tính và một vài tài liệu tôi dày công chuẩn bị trong suốt 5 tháng làm dự án.

Tôi trình bày và giải thích hết những gì liên quan đến dự án, cung cấp cho họ toàn bộ tài liệu tôi mang theo và chờ. Tối đó, họ mời tôi đi ăn và thông báo “Ok, Jean-Marcel chúng tôi sẽ đầu tư với các điều kiện sau: 1) Ông phải xin được giấy phép đầu tư, 2) Phải có mặt bằng, 3) Phải thuê một công ty quản trị & điều hành bệnh viện. Tôi còn chẳng biết có tồn tại cái được gọi là công ty quản trị và điều hành bệnh viện … Tôi, Peter và luật sư tôi mới thuê, Lucy Wayne, một phụ nữ người Anh xuất sắc tôi gặp vào cuối năm 1998, cuối cùng đã đáp ứng được hết các điều kiện này. Lucy đã giúp tôi xin được giấy phép đầu tư. Không có Lucy và Peter có lẽ không bao giờ tôi tìm và xin được mặt bằng. Chưa hết, khoảng 6 tháng sau, IFC thông báo “điều kiện tiếp theo là các ông phải gọi được 8 triệu đô la”. Tôi bắt đầu hành trình gọi vốn, sau này tôi mới biết cách này gọi là “crowd-funding operation”. Tôi thuê văn phòng, tuyển một thư ký, lục và tìm kiếm để có được danh mục bác sĩ, lập một bộ hồ sơ mời góp vốn, gửi tới cho từng bác sĩ khắp mọi nơi trên nước Pháp, ngày nào tôi cũng ôm từng chồng hồ sơ đi gửi đến mức nhân viên bưu điện ai cũng biết tôi. Chỉ không đến 6 tháng sau khi bắt đầu vào mùa hè năm 2000, chúng tôi gọi được 5 triệu đô la Mỹ, IFC lại gọi cho tôi thông báo “chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành Due Diligence” (thẩm định), lại thêm một cụm từ mà lần đầu tiên trong đời tôi nghe thấy … là một quy trình khắt khe và một trải nghiệm vô cùng khó khăn mà tôi từng biết và trải qua để cuối cùng vượt qua và đáp ứng được hết tất cả mọi điều kiện để IFC quyết định đồng ý cho vay tiền để thực hiện dự án.

Chúng tôi đã có tiền để xây dựng FV như vậy đó. Sau đó, tôi kêu gọi thêm vốn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, ngân hàng Proparco (Pháp) và Ngân hàng BIDV Việt Nam vì theo nguyên tắc IFC chỉ có thể tài trợ cho vay dưới 50% tổng vốn đầu tư. Đây cũng là một quá trình khá phức tạp mà tôi không muốn chia sẻ trong khuôn khổ này.

Song song đó, chúng tôi cũng đạt được thỏa thuận và ký hợp đồng tư vấn thiết kế, xây dựng và phát triển bệnh viện với một công ty quản trị điều hành bệnh viện của Singapore. Đến tháng Ba năm 2002 cuộc đàm phán để ký tiếp hợp đồng quản trị và điều hành với họ không thành công, nhiều yêu cầu và điều kiện của họ quá bất hợp lý. Sau khi cố gắng thêm lần nữa gọi và nói chuyện trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng Quản trị của họ không thành, tôi buộc phải rời phòng họp báo cáo tình hình cho IFC. Một tiếng sau, IFC gọi lại cho tôi “Jean-Marcel, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục cho ông vay vốn với điều kiện ông sẽ là Tổng Giám Đốc điều hành”, tôi hết hồn gần như thốt ra rằng các ông điên rồi, tôi chẳng có tí kinh nghiệm nào, tôi có biết gì đâu mà làm, đại loại vậy. Hai trong chín đối tác của tôi lúc đó đang ở Sài Gòn cùng tôi tham gia thương thảo với công ty Singapore nhìn chằm chằm vào tôi “chúng tôi không biết ông nghĩ gì nhưng ông làm gì có lựa chọn nào khác! Mình quyết định nhé, ông là Tổng Giám Đốc”. Tôi quay lại phòng họp, thông báo kết thúc buổi họp cho đại diện của công ty Singapore. Tôi đã trở thành Giám Đốc của FV như thế đấy.

Tôi và đối tác của tôi, chúng tôi tiếp tục kêu gọi thêm vốn, xây dựng bệnh viện và mở cửa hoạt động vào ngày 11 tháng Ba năm 2003.

 

Vẫn còn một cuộc gặp gỡ bất ngờ, nhân duyên đưa tới khá thú vị nữa mà tôi không thể không kể thêm được. Đó là vào cuối tháng Sáu năm 1999, tôi điện thoại cho ông em trai “Đi uống vài chai đi, anh hết tiền rồi, không có mặt bằng, không kiến trúc sư, chẳng còn gì nữa cả, nhưng anh và Luc Mercadal vẫn quyết định đi tiếp”. Hai anh em đi tới quán bar quen thuộc “Bedford Arms’s” ở khu St Germain, Paris, nơi dân yêu thích môn thể thao rugby hay lui tới, nửa đêm mới mở cửa tới khi nào hết khách thì đóng cửa, đôi khi đóng cửa vào lúc 9 giờ sáng hôm sau. Vài tháng trước đó, tôi đi xem trận đấu rugby giữa Pháp và Scotland ở sân vận động State de France, Pháp thua, lần đầu tiên sau nhiều năm luôn thắng lợi trước Scotland. Sau trận đấu, nhóm bạn rủ nhau đi ăn tối, tôi từ chối vì có người bạn khác rủ đi chơi để giới thiệu cho tôi một phụ nữ xinh đẹp. Đêm đó, sau trận đấu, Paris khắp nơi kẹt đường, khoảng 9 giờ tối, người bạn điện thoại lại hủy không ăn tối nữa mà gặp nhau ở một quán bar nào đấy sau bữa tối, nên tôi lại đi kiếm nhóm bạn rugby ở đâu để tới. Trong bàn có một anh chàng trông cũng dễ gần, hồi chiều không đi xem trận đấu với nhóm, chúng tôi làm quen, trò chuyện, ảnh giới thiệu ảnh là kiến trúc sư. Thấm thoát chắc khoảng 3 tháng cho tới cái đêm tôi và em trai đang uống Gin và tonics ở Bedford Arm’s thì anh kiến trúc sư này bước vào. Tôi nhận ra anh ta ngay. Thôi thì hài hước lắm, ảnh học kiến trúc sư ở London, nói tiếng Anh như gió, nghe tôi hỏi có biết gì về bệnh viện không ảnh trả lời hồi còn là sinh viên ảnh có thực hành thiết kế nhà vệ sinh cho bệnh viện J, nghe xong tôi cười “that’s a beginning” (một khởi đầu hay đây). Chúng tôi tiếp tục uống và không nói về chuyện đó nữa. Tôi và anh kiến trúc sư hẹn gặp nhau vào chiều hôm sau, chiều Chủ Nhật – chúng tôi bắt đầu làm việc và hợp tác với nhau như thế đây. Tên anh là Reda Amalou, anh đã thiết kế Bệnh viện FV và đó là dự án đầu tiên của anh, sau đó anh trở thành nhà thiết kế, kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng trên thế giới, anh đã thực hiện nhiều dự án, có nhà hàng, resorts, khách sạn, cửa hàng, trường học. Hai mươi trôi qua chúng tôi vẫn làm việc cùng với nhau, không chỉ có thiết kế bệnh viện mà còn các dự án khác nữa. Anh là người đã thiết kế nhà hàng P’TI Saigon của chúng tôi vừa mới khai trương ở Quận 2 đó.

Xem bài gốc tại đây: https://www.asiaoutlookmag.com/outlook-features/fv-hospital

Zalo
Facebook messenger