Tin tức

“Tôi thấy ở đây tình người tràn đầy”

Bác sĩ Nguyễn Công Kiểm, người có gần 30 năm hành nghề y, gần đây về với Bệnh viện FV đảm nhận vị trí phó Khoa Tiêu hóa-Gan Mật sau 10 năm giữ chức Trưởng khoa Tiêu hóa-Gan mật tại một bệnh viện công lập ở TP.HCM. Tuy khá bận rộn với công việc mới nhưng BS Kiểm đã dành thời gian chia sẻ về một số điểm khác nhau ông nhận thấy giữa hai nơi làm việc.

Xin chào BS Kiểm. BS thấy công việc mới như thế nào?

Bác sĩ Kiểm khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân.

Tháng 1/2017 tôi về FV công tác. Tôi ra khỏi nhà lúc 6 giờ sáng và về đến nhà lúc 7:30 tối, trễ hơn lúc trước kia khi tôi còn làm ở khu vực công. Tuy nhiên, cứ sáng thức dậy là thấy lòng háo hức muốn đến nơi làm việc, và tinh thần ấy xuất hiện đều đặn mỗi ngày. Tôi không còn khám bệnh ở phòng mạch tư nữa.

Ở FV đây tôi thấy cái gì cũng sạch sẽ, thơm tho, sang trọng, ai cũng thân tình cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ nhau rất vui vẻ. Quan hệ từ Tổng Giám đốc, Ban Lãnh đạo đến nhân viên là quan hệ như trong gia đình dù đây là môi trường bệnh viện áp lực khá cao.

Tôi thấy khác biệt rõ nhất là cả bệnh viện làm mọi cách tốt nhất cho bệnh nhân. Tất cả công việc đều theo quy trình đã viết ra và áp dụng theo tiêu chuẩn JCI (cười). Tôi hiểu đó là văn hóa an toàn, nghĩa là bảo đảm an toàn cho bệnh nhân ở mức cao nhất.

Bộ Y tế quy định thời gian khám tối thiểu cho 1 bệnh nhân là 13,5 phút. Tuy nhiên hệ thống bệnh viện công đã bị quá tải nặng lâu nay nên ở những khoa có nhiều bệnh thì bác sĩ phải khám liên tục, khám rất nhanh vì không có nhiều thời gian. Đang khám mà thấy hàng dài bệnh nhân đang chờ đến lượt thì giải pháp là phải khám nhanh nữa. Bác sĩ mệt khờ, còn bệnh nhân cũng mệt vì chờ. Bây giờ, tôi khám mỗi bệnh nhân khoảng 30 phút, với 70% thời gian đó là trò chuyện để xác định bệnh và tư vấn những cách điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc phù hợp nhất và tốt nhất cho từng người.

Thưa bác sĩ, vì sao phải tư vấn kỹ như vậy?

Vì bác sĩ là bạn đồng hành với người bệnh, và mỗi con người là một vũ trụ thu bé lại nên không bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào.

Tôi muốn nói thêm về an toàn bệnh nhân. Tại bệnh viện tôi làm trước đây chỉ có 1 máy nội soi dạ dày, chưa có kinh phí để đầu tư thêm máy. Tổng thời gian 1 ca nội soi dạ dày là 10 phút, gồm 3 phút nội soi và 7 phút diệt trùng một phần của ống nội soi. Như vậy 1 tiếng làm được 6 ca và khi cần, có thể làm cả vài chục ca/ngày. Bạn nên biết là 7 phút thì khó có thể bảo đảm yêu cầu tiệt trùng hoàn toàn 100%, nhưng vì kinh phí đầu tư trang thiết bị và áp lực giải quyết công việc quá lớn nên không thể lâu hơn. Tại FV, chỉ riêng thời gian diệt trùng toàn bộ ống nội soi sau từng ca là 45 phút.

Máy móc, trang thiết bị hiện đại và trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện FV giúp bảo đảm hiệu quả điều trị cao.

Phải nói thêm là máy móc, trang thiết bị ở đây hiện đại nên giúp bác sĩ làm việc rất tốt và hiệu quả rất cao, các kết quả chẩn đoán có độ chính xác cao. Nhờ đó, các bác sĩ có động lực để làm điều tốt nhất cho bệnh nhân. Bạn biết rằng ngành y thế giới không ngừng phát triển nên bác sĩ phải luôn tự học hỏi thì mới theo kịp, nếu không sẽ tụt hậu. Tôi thấy môi trường tại FV tạo động lực cho bác sĩ tự phát triển nghề nghiệp và có thời gian để làm việc đó.

Ngoài đội ngũ bác sĩ, các nhân viên khác thì sao thưa bác sĩ?

Tôi cũng đã có thời gian quan sát về hậu phẫu, và có ấn tượng với dịch vụ hậu phẫu ở đây. Sau khi bệnh nhân được mổ, các điều dưỡng và hộ lý luôn hết lòng giúp bệnh nhân kiểm soát đau theo chỉ định của bác sĩ, phòng ngừa té ngã, chăm sóc và vệ sinh cá nhân tại giường 24/24, hỗ trợ bệnh nhân xoay trở, tập vận động và đi lại hậu phẫu, cũng như trò chuyện và sẻ chia như người nhà. Bệnh nhân không cần phiền người thân vào viện hỗ trợ.

Ở bệnh viện FV, nụ cười luôn nở trên môi tất cả nhân viên.

Thưa bác sĩ, là một bác sĩ tiêu hóa-gan mật, điều gì là khó quên nhất với ông?

Có lẻ đó là câu chuyện của bác sĩ người Úc Barry Marshall người phát hiện ra vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) tồn tại trong dạ dày. Để chứng minh cho người ta thấy vi khuẩn Hp là nguyên nhân gây ra bệnh lý loét dạ dày tá tràng chứ không phải nguyên nhân là stress tâm lý, ông đã phải thực hiện thí nghiệm nguy hiểm trên chính cơ thể mình: ông đã uống cốc nước có chứa vi khuẩn Hp lấy từ một bệnh nhân loét dạ dày tá tràng để tự gây bệnh cho mình. Kết quả là ông đã nhiễm bệnh dạ dày nặng. Đây cũng là thí nghiệm nổi tiếng nhất trong lĩnh vực y khoa. Sau phát hiện mang tính đột phá của bác sỹ Marshall, phải tới hơn 10 năm sau đó, giới y học mới sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh nhân loét dạ dày tá tràng.

Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều về cuộc trò chuyện này!

Nguồn: Tạp chí Nữ Doanh Nhân tháng 4/2017

Zalo
Facebook messenger