Tin tức

Ung thư cổ tử cung như 'sát thủ' âm thầm, làm sao phòng ngừa?

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến ở phụ nữ với các triệu chứng ban đầu mơ hồ, không rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh lý này có cơ hội điều trị thành công cao nếu được phát hiện và điều trị đúng ở giai đoạn sớm

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Tất cả đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục.

Bác sĩ Sophie ( chuyên khoa sản phụ khoa) trong một ca phẫu thuật nội soi

Điều trị càng sớm, tỉ lệ thành công càng cao

Cuối tháng 7-2020, thấy âm đạo chảy máu bất thường sau quan hệ, chị N.T.T.H. (47 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cứ ngỡ đây là dấu hiệu tiền mãn kinh. Qua thăm khám, xét nghiệm tại một phòng khám địa phương và một bệnh viện phụ sản TP.HCM, các bác sĩ đều kết luận chị bị ung thư cổ tử cung, tế bào ung thư xâm lấn và yêu cầu đến bệnh viện tuyến cuối phẫu thuật.

Không chần chừ, chị H. tìm đến Bệnh viện FV để điều trị. Tại đây, chị được bác sĩ Sophie Sanguin (chuyên khoa Sản phụ khoa) tư vấn, chỉ định làm thêm MRI vùng chậu để đánh giá giai đoạn ung thư. Kết quả, chị bị ung thư giai đoạn sớm do virus HPV 18. Thông qua hội chẩn liên chuyên khoa cùng với các bác sĩ ung bướu tại FV, bác sĩ Sophie quyết định dùng phương pháp phẫu thuật nội soi để điều trị cho trường hợp này. Bác sĩ cho biết: “Phẫu thuật nạo hạch bằng nội soi là một kỹ thuật khá khó, đòi hỏi tay nghề của phẫu thuật viên phải cao, hiện chỉ có một số bệnh viện ở Việt Nam triển khai, trong đó có FV. Tuy nhiên, phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm là ít xâm lấn và mau hồi phục sau mổ”, bác sĩ Sophie nói.

10 ngày sau (15-9), chị H. bước vào cuộc phẫu thuật bằng phương pháp nội soi kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ để cắt tử cung, kèm hai phần phụ và nạo hạch chậu. Các bác sĩ cũng tiến hành cho phân tích giải phẫu bệnh trên các bộ phận này để quyết định phương án điều trị tiếp theo. Sau phẫu thuật, các vị trí vết thương mổ nội soi mau lành, chị H. xuất viện sau sớm hơn dự kiến. Đến ngày 2-10, chị H. tái khám, các bác sĩ thông báo kết quả giải phẫu bệnh trên mẫu bệnh phẩm đã phẫu thuật xác định không có di căn. Hiện chị H. sinh hoạt, làm việc bình thường như chưa từng trải qua cuộc phẫu thuật.

“Mình bệnh thì phải điều trị, có khối ung thư thì phải cắt bỏ, buồn cũng không giải quyết được gì, cứ thoải mái điều trị thôi” – chị H. lạc quan chia sẻ cảm giác của bản thân ở thời điểm hay tin mình mắc bệnh.

Bác sĩ Sophie Sanguin cho hay, đã có rất nhiều chị em phụ nữ đến Bệnh viện FV khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, hiệu quả phẫu thuật thấp do khối u xâm lấn nhiều, thậm chí di căn, cần áp dụng phương pháp điều trị đa mô thức kết hợp với hóa trị, xạ trị…

Phòng bệnh bằng cách nào?

Theo các tài liệu y khoa, ung thư cổ tử cung là ung thư tiến triển chậm thường do vi rút HPV gây ra, lây lan qua đường tình dục. Điều nguy hiểm là các dấu hiệu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm rất mơ hồ, hầu như không có triệu chứng.

HPV là một nhóm vi rút với hơn 100 loại khác nhau, trong đó chủng 16 và 18 là nguyên nhân dẫn đến 70% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung. Tỉ lệ nhiễm loại vi rút này ở phụ nữ cũng rất cao, có khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm vi rút HPV ít nhất 1 lần trong đời, trong đó độ tuổi dễ nhiễm nhất là 20 -30.

Ngoài ra, việc hút thuốc lá chủ động, thụ động, lối sống tình dục không lành mạnh cũng là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung lên 2 đến 3 lần.

Theo tổ chức WHO, ung thư ở giai đoạn sớm nếu được điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sau 5 năm là 95%. Ngược lại, nếu ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã di căn xa mới được phát hiện, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn 10%.

Vậy dấu hiệu nào cảnh báo người phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung? Bác sĩ Sophie Sanguin cho biết, dấu hiệu đặc trưng là âm đạo ra máu bất thường, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục, giữa các chu kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh. Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bác sĩ Sophie Sanguin khuyến cáo cần tiêm vắc-xin ngừa HPV (dành cho bé gái từ 9 đến 26 tuổi, chưa quan hệ tình dục).

Bên cạnh đó, phụ nữ cần định kỳ kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung bằng các phương pháp Pap smear (đối với phụ nữ từ 20 – 30 tuổi) hoặc xét nghiệm HPV (đối với phụ nữ từ 30 – 65 tuổi) để có thể phát hiện các tế bào bất thường và/hoặc tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung để có thể điều trị sớm với khả năng thành công cao.

Đối với phụ nữ đã mắc bệnh ung thư cổ tử cung, kể cả đã phẫu thuật luôn cần phải tái khám, tầm soát định kỳ. Thời gian hợp lý nhất là cứ mỗi 4-6 tháng cần tái khám trong suốt 5 năm đầu tiên. Sau thời gian này chỉ cần tái khám 5 năm/lần cho đến cuối đời.

Nguồn Báo Tuổi Trẻ

Zalo
Facebook messenger